Multimedia Đọc Báo in

Hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm thực hiện Đề án đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm

15:05, 11/12/2020
Sáng 11-12, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm thực hiện Đề án đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là Đề án 715).
 
Tham dự tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà cùng đại diện các sở, ngành liên quan.
 
Đề án đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 715/QĐ-TTg, ngày 22-5-2015 với mục tiêu xây dựng và đưa vào áp dụng quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP) theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế và phù hợp với thực tiễn nước ta. Theo Quyết định 715, Tổng cục Thống kê là cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện và công bố, phổ biến đầy đủ, kịp thời, khách quan và minh bạch số liệu GRDP.
 
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk
 
Trong 5 năm triển khai, Tổng cục Thống kê đã biên soạn và công bố GRDP theo quy trình mới, đúng lộ trình và thời gian quy định. Quy trình biên soạn và công bố GRDP tập trung tại Tổng cục Thống kê đã vận hành 4 năm với 8 kỳ biên soạn và công bố. Số liệu GRDP biên soạn và công bố theo quy trình mới phản ánh chính xác hơn tình hình kinh tế - xã hội của các địa phương, được tin cậy sử dụng. Bên cạnh đó, biên soạn và công bố GRDP theo quy trình mới được Tổng cục Thống kê tiến hành đồng thời với biên soạn và công bố số liệu tổng sản phẩm nội địa (GDP) đã tạo khả năng đối chiếu, so sánh và nâng cao chất lượng của cả hai chỉ tiêu.
 
Tại hội nghị, các đại biểu còn được nghe trình bày những hạn chế và bất cập trong quá trình thực hiện Đề án 715 và phương hướng thực hiện Đề án trong thời gian tới. Đồng thời, các đại biểu cũng dành nhiều thời gian để thảo luận, đóng góp ý kiến vào các vấn đề như: lựa chọn kỳ công bố, thời điểm công bố, việc áp dụng tính toán GRDP quý tại các tỉnh, thành phố lớn; kiến nghị cập nhật thông tin kịp thời, thực hiện các cuộc nghiên cứu định kỳ; chia sẻ thông tin, số liệu giữa các Cục Thống kê địa phương; đổi mới phương án các cuộc điều tra; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong sử dụng nguồn thông tin, bổ sung các căn cứ pháp lý để tiếp tục thực hiện Đề án 715…
 
 
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà phát biểu tại hội nghị.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà phát biểu tại hội nghị.
 
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà đã nêu một số khó khăn, vướng mắc, bất cập trong việc tính toán, công bố số liệu GRDP trên địa bàn tỉnh, chẳng hạn như: thời gian công bố GRDP từ số liệu ước tính đến số liệu chính thức quá dài; số liệu GRDP có sự sai khác, chênh lệch…; đồng thời kiến nghị Tổng cục Thống kê cần xác định nguyên nhân thay đổi chuỗi số liệu GRDP từ 2011 – 2016 và hướng dẫn cách xử lý, điều chỉnh; tổ chức hội thảo, tập huấn về cách thức xử lý, điều chỉnh quy mô GRDP; nghiên cứu rút ngắn thời gian công bố số liệu GRDP chính thức và sớm xây dựng ban hành bộ giá gốc năm 2020.
 
Kết luận tại hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương đánh giá, Đề án 715 đã được triển khai đúng lộ trình và mang lại hiệu quả thiết thực, trong đó quy trình biên soạn và công bố GRDP tập trung tại Tổng cục Thống kê đang trong quá trình hiệu chỉnh, hoàn thiện nhưng đã cho thấy tính khả thi cao. Để phát huy những kết quả trên, trong thời gian tới, Tổng cục Thống kê sẽ tiếp tục thực hiện, hoàn thiện quy trình biên soạn công bố GRDP, đồng thời tăng cường ứng dụng công tin, cập nhật công cụ tính toàn để nâng cao tiện ích công bố, giải trình và sử dụng số liệu GRDP; nâng cao số lượng và chất lượng nguồn thông tin đầu vào; trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh thời gian công bố GRDP; xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai biên soạn công bố GRDP tại các bộ, ngành, địa phương…
 
Khả Lê
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.