Multimedia Đọc Báo in

Làm giàu trên mảnh đất quê hương

05:41, 18/12/2020

Với tinh thần xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ, nhiều đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh đã tích cực tham gia phát triển kinh tế đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Anh Đặng Hữu Hà (thôn Yên Thành I, xã Đắk Nuê, huyện Lắk) là một trong những thanh niên năng động trong phong trào phát triển kinh tế tại địa phương. Năm 2012, sau khi lập gia đình ra ở riêng, anh Hà  được bố mẹ chia cho 1 sào đất ruộng và 5 sào đất trồng cà phê để phát triển kinh tế nhưng thu nhập không cao. Để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình, anh Hà làm thêm nghề lái xe tải. Năm 2015, anh đã mạnh dạn thuê đất và chuyển đổi đất trồng lúa của gia đình sang trồng 3 sào khoai lang xuất khẩu. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên vườn khoai phát triển tốt và đạt năng suất cao. Sau vụ khoai lang đầu tiên, anh thu lãi hơn 30 triệu đồng. Nhận thấy việc trồng khoai lang mang lại hiệu quả hơn so với trồng lúa, anh Hà đã mở rộng diện tích trồng lên 1,2 ha. Tích lũy được vốn, anh đầu tư mua thêm đất để phát triển sản xuất.

Anh Đặng Hữu Hà thăm vườn cà phê của gia đình.
Anh Đặng Hữu Hà thăm vườn cà phê của gia đình.

Ngoài ra, anh Hà và một số thanh niên, người dân trên địa bàn xã đã liên kết lại với nhau thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Thành Tín (với 55 thành viên) nhằm thay đổi phương thức canh tác lúa từ truyền thống sang hướng hữu cơ, tạo ra sản phẩm chất lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ chăm chỉ làm ăn, đến nay anh Hà đã làm chủ mô hình kinh tế gồm 3,7 ha cà phê, 2 ha đất trồng khoai lang và 4 sào trồng lúa nước; tổng thu nhập hằng năm khoảng 160 triệu đồng.

Không chỉ là cán bộ Đoàn năng nổ, nhiệt tình, anh Nguyễn Bá Khánh (thôn 5, xã Cư Króa, huyện M’Drắk) còn làm kinh tế giỏi và trở thành tấm gương sáng cho thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn xã.

Trước đây gia đình anh Khánh phát triển kinh tế từ việc trồng keo lấy gỗ và hoa màu, tuy nhiên hiệu quả không cao. Qua thời gian tìm hiểu và học hỏi một số mô hình kinh tế của đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện, năm 2015, anh Khánh đã mạnh dạn vay mượn bạn bè và người thân số tiền 100 triệu đồng để nuôi bò vỗ béo. Để thuận tiện cho việc chăn nuôi, anh Khánh xây dựng khu chuồng trại rộng 50 m2, đồng thời chuyển đổi 5 sào đất trồng sắn, ngô của gia đình sang trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn cho vật nuôi. Sau 6 tháng chăn nuôi, anh đã xuất lứa bò đầu tiên, thu về 30 triệu đồng. Từ số tiền bán bò, anh mua 200 cây giống vải thiều lai và bưởi da xanh trồng trên diện tích trồng cây keo trước đây của gia đình. Để vườn cây của gia đình phát huy hiệu quả, ngay từ khi mới xây dựng mô hình, anh đã tìm hiểu và lựa chọn các giống cây phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương cũng như áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cây trồng. Anh cũng tận dụng nguồn phân từ việc chăn nuôi để bón cho cây trồng nên tiết kiệm được chi phí đầu tư. Nhờ vậy, cây phát triển xanh tốt, bước đầu mang lại hiệu quả.

Bên cạnh việc phát triển kinh tế gia đình, anh Khánh còn tích cực vận động đoàn viên, thanh niên lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Thấy được hiệu quả của mô hình chăn nuôi và trồng cây ăn quả, anh Khánh đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể hướng dẫn cho thanh niên đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế (nuôi gà, nuôi bò, trồng nhãn…) để tạo việc làm và cải thiện đời sống.

Ngoài anh Hà, anh Khánh, nhiều đoàn viên, thanh niên khác trên địa bàn tỉnh cũng đã đầu tư xây dựng các mô hình phát triển sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước vươn lên làm giàu ngay chính trên mảnh đất quê hương. Như anh Nguyễn Tuấn Vũ (thôn 5, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) đã phát triển kinh tế từ mô hình nuôi heo rừng, với quy mô 120 con, mang lại nguồn thu nhập ổn định hơn 50 triệu đồng/năm; chị Trần Nữ Hoàng Oanh (xã Ea Phê, huyện Krông Pắc) với mô hình nuôi, chế biến và sản xuất chim yến, thu lợi nhuận gần 150 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 6 thanh niên tại địa phương với mức lương 5 triệu đồng/tháng; anh Niê Nhật Quốc (xã Ea H’đing, huyện Cư M’gar) chăn nuôi dê (tổng đàn hơn 160 con), đạt thu nhập bình quân khoảng 180 triệu đồng/năm…

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.