Nông dân huyện Krông Ana: Cải tạo vườn cây từ nguồn vốn giải quyết việc làm
Với sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, nhất là nguồn vốn vay ưu đãi giải quyết việc làm từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Krông Ana đã có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Năm 2018, gia đình ông Trần Quang Vinh ở thôn 2, thị trấn Buôn Trấp quyết định vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm tại Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện để tái canh lại 5 sào cà phê của gia đình.
Đây là diện tích cà phê già cỗi, năng suất, sản lượng rất thấp nên doanh thu hằng năm không đủ chi phí đầu tư. Do đó, khi nắm được thông tin gia đình thuộc diện được vay vốn tạo việc làm, ông đã mạnh dạn làm hồ sơ vay. Có vốn, trên diện tích đất trồng cà phê, gia đình ông Vinh trồng xen thêm hồ tiêu, sầu riêng, bơ để có nguồn thu quanh năm. Sau gần 3 năm cải tạo, nay vườn cà phê bắt đầu cho thu bói.
Ông Vinh cho biết: Khi chưa tiếp cận với nguồn vốn cứ nghĩ khó khăn lắm, nhưng khi vay mới biết thủ tục vô cùng đơn giản, lãi suất hợp lý, chỉ mất thời gian 5 ngày hồ sơ vay vốn đã được giải quyết xong. Lãi suất được trả theo từng tháng nên gia đình cũng dễ dàng xoay xở.
Vườn cà phê tái canh năm thứ 3 của hộ ông Trần Quang Vinh (thôn 2, thị trấn Buôn Trấp). |
Cũng như ông Vinh, tháng 4-2018, ông Nguyễn Xuân Tánh ở thôn Quỳnh Tân 2, thị trấn Buôn Trấp mạnh dạn vay 40 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm tại Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện để cải tạo 4 sào cà phê của gia đình. Nhìn khu vườn cà phê trĩu quả, ông Tánh phấn khởi cho biết, mùa cà phê năm nay dự kiến thu được khoảng 1 tấn cà phê tươi từ vườn cà phê tái canh này. Trước đây, khi chưa được cải tạo, vườn cây chủ yếu là cà phê già cỗi tuổi từ 25 - 30 năm nên kém năng suất. Khi được vay vốn, ông áp dụng các biện pháp kỹ thuật về làm đất, trồng cây và chăm sóc giai đoạn tái canh. Nhờ vậy, sau gần 3 năm vườn cây phát triển đều nên ông rất vui.
Không chỉ hộ ông Vinh, ông Tánh, hàng trăm hộ gia đình trên địa bàn huyện Krông Ana đi lên từ vốn vay ưu đãi giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH. Mặc dù mỗi người có cách thức đầu tư làm ăn khác nhau, nhưng cơ bản các hộ vay đều có điểm chung là sử dụng đúng mục đích và phát huy được hiệu quả vốn vay, cuộc sống gia đình ổn định và tiếp tục phát triển.
Bên cạnh những thuận lợi, các hộ dân cũng mong muốn Nhà nước tăng thêm nguồn vốn vay và nâng thời hạn vay. Bởi thực tế, như việc cải tạo vườn cà phê phải mất thời gian ít nhất 3 năm từ lúc cải tạo đất đến lúc cà cho thu bói. Với số tiền vay chỉ đáp ứng được trong thời gian cải tạo vườn cây, trong khi đầu tư cho giai đoạn kinh doanh cũng cần khá nhiều vốn. Nhiều hộ dân cho biết, để cải tạo vườn cây với diện tích khoảng 5 sào thì số vốn đáp ứng dao động từ 80 - 100 triệu đồng. Do đó, việc tăng mức vay lên là rất cần thiết, góp phần tăng hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích đất cho các hộ dân.
Ông Nguyễn Xuân Tánh ở thôn Quỳnh Tân 2, thị trấn Buôn Trấp vui mừng vì vườn cà phê tái canh bắt đầu cho thu hoạch. |
Bà Huỳnh Thị Lữ Ái, Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Krông Ana cho biết, xác định vốn vay giải quyết việc làm là một trong những kênh quan trọng hỗ trợ người dân có thêm “cần câu” để thúc đẩy phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững, những năm qua, đơn vị đã triển khai đầy đủ, kịp thời và công khai các chính sách liên quan về các chương trình cho vay tại các điểm giao dịch ở UBND các xã, thị trấn . Đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của các chương trình vay vốn đến các đối tượng biết và tham gia có hiệu quả; phát huy tối đa tính ưu việt chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước đối với các đối tượng trên địa bàn huyện bên cạnh thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay nhằm bảo toàn và phát huy hiệu quả nguồn vốn
Bên cạnh việc giải ngân vốn kịp thời, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thu lãi, thu nợ đến hạn đối với các hộ vay vốn. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các hộ dân sử dụng vốn đúng mục đích, từ đó tăng thêm việc làm cho từng thành viên và có nguồn thu nhập ổn định.
Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Krông Ana cho biết, 11 tháng năm 2020, doanh số cho vay các hộ nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện là gần 94,5 tỷ đồng. Trong đó, cho vay giải quyết việc làm là 9,2 tỷ đồng, với 286 lượt khách hàng vay vốn. |
Kim Hoàng
Ý kiến bạn đọc