Multimedia Đọc Báo in

Thanh toán không dùng tiền mặt: Xu thế tất yếu trong thời đại số

08:31, 23/12/2020

Hình thức thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) có ưu điểm là giảm thời gian, chi phí đi lại, an toàn nên bước đầu đã được người dân, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân áp dụng trong các giao dịch thanh toán.

TTKDTM tận dụng sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, kỹ thuật, mang lại lợi ích cho cả bên thanh toán và bên nhận thanh toán. Để phát triển xu thế này, ngày 23-2-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 241/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với việc thu phí các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội.

Thực hiện chủ trương này, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo, hướng dẫn các ngân hàng thương mại chủ động thực hiện TTKDTM đối với dịch vụ công; áp dụng các hình thức mới, hiện đại phục vụ thanh toán như: thanh toán trực tuyến, thanh toán qua thẻ POS, mPOS, mã phản hồi nhanh (QR Code), thanh toán trên ứng dụng điện thoại di động thông minh... Cùng với đó, các chi nhánh ngân hàng đã đầu tư cơ sở hạ tầng và công nghệ kết nối với các sở, ban, ngành để cải tiến, đa dạng hóa kênh thu, nộp thuế…, ứng dụng thanh toán điện tử tiên tiến đối với đơn vị hành chính, sự nghiệp công lập để thực hiện việc thu phí, lệ phí các thủ tục hành chính, dịch vụ công nhằm phục vụ một cách tốt nhất nhu cầu của các tổ chức, cá nhân.

Hoạt động giao dịch tại Nam A Bank Krông Búk.
Hoạt động giao dịch tại Nam A Bank Krông Búk.

Đối với dịch vụ thu ngân sách nhà nước, Sở Tài chính đã phối hợp với Kho bạc Nhà nước tỉnh triển khai kết nối hạ tầng dịch vụ thuế điện tử với thanh toán điện tử để phục vụ nộp thuế điện tử; thống nhất các giải pháp trao đổi thông tin, dữ liệu thuế điện tử giữa hệ thống ngân hàng, các cơ quan thuế, hải quan để hỗ trợ công tác quản lý thu thuế, thanh toán điện tử phục vụ chi tiêu công và thực hiện các khoản chi ngân sách qua thẻ chi tiêu công; áp dụng thống nhất việc định danh các khoản thu (mã giao dịch ID), nhằm đẩy nhanh tốc độ thanh toán các giao dịch điện tử.

Việc TTKDTM dịch vụ công cũng đã được áp dụng khá phổ biến. Cụ thể, về tiền điện, ngành điện phối hợp với các ngân hàng thương mại đẩy mạnh dịch vụ thu tiền điện qua ngân hàng, nhằm giảm dần và tiến tới không thu tiền điện tại nhà. Đối với dịch vụ thanh toán tiền nước, tỷ lệ TTKDTM qua các đối tác thu hộ và ngân hàng đạt 7.201/88.133 hóa đơn phát hành (tương đương 8,2%). Trong năm 2021, Công ty Cổ phần cấp nước Đắk Lắk khuyến khích khách hàng TTKDTM, dự kiến đến tháng 6-2021, khách hàng sử dụng thanh toán này đạt 50%, đến cuối năm 2021 đạt 70%. Về thanh toán tiền viện phí, trên địa bàn tỉnh đã có 16/21 bệnh viện và trung tâm y tế trực thuộc Sở Y tế thực hiện TTKDTM bằng máy POS (đạt 76%). Các cơ sở còn lại đã thực hiện ký kết hợp đồng lắp đặt POS thanh toán với ngân hàng để thay thế hình thức thanh toán bằng tiền mặt trong thời gian tới. Trong công tác chi trả an sinh xã hội, hiện 20% số tiền chi trả tại địa bàn TP. Buôn Ma Thuột và thị xã Buôn Hồ đã được thực hiện TTKDTM. Năm 2021, phấn đấu đạt 50% số người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp ở khu vực đô thị sử dụng phương tiện thanh toán này.

Khách hàng làm thủ tục mở thẻ tại Phòng giao dịch Thuần Mẫn thuộc Vietcombank Đắk Lắk.
Khách hàng làm thủ tục mở thẻ tại Phòng giao dịch Thuần Mẫn thuộc Vietcombank Đắk Lắk.

Bên cạnh những kết quả đạt được, TTKDTM trên địa bàn tỉnh vẫn còn những trở ngại, do thói quen, tâm lý thích sử dụng tiền mặt của người dân khá phổ biến, nên e dè khi tiếp cận với công nghệ thanh toán mới; lo ngại về an ninh, an toàn khi sử dụng các phương thức thanh toán điện tử, nhất là ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Chưa kể, hạ tầng cơ sở và trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho hoạt động TTKDTM còn kém hiệu quả, chưa tương xứng với tiềm năng. Ngoài ra, hành lang pháp lý trong lĩnh vực thanh toán điện tử vẫn chưa hoàn thiện và đồng bộ. Do đó thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán ứng dụng công nghệ mới, hiện đại vào các sản phẩm, dịch vụ; đồng thời, tăng cường công tác truyền thông nhằm thay đổi hành vi, cách thức thanh toán tiêu dùng của người dân.

UBND tỉnh yêu cầu, năm 2021 các sở, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn tất cả trường học, bệnh viện, công ty điện, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường, viễn thông, bưu chính trên địa bàn đô thị phối hợp với ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thu phí dịch vụ bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di dộng và thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ.

Minh Thông

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.