Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện giải phóng mặt bằng Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng: Cần sự đồng thuận của người dân

08:47, 18/12/2020

Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng được Bộ NN-PTNT phê duyệt lần đầu vào ngày 15-5-2009.

Sau đó  được phê duyệt điều chỉnh vào ngày 20-12-2018 với tổng mức đầu tư hơn 4.400 tỷ đồng, do Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng thủy lợi 8 (Bộ NN-PTNT) làm chủ đầu tư hợp phần xây dựng công trình đầu mối và kênh chính, Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh (gọi là Ban A) làm chủ đầu tư hợp phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (gọi là công tác GPMB) và xây dựng kênh cấp 1 trở xuống hồ Krông Pách thượng. Dự án đi qua địa bàn các huyện Krông Pắc, Ea Kar, Krông Bông và M’Drắk. Về quy mô, Dự án gồm hai công trình: hồ chứa nước Krông Pách thượng là công trình chính, có dung tích 122,69 triệu m3 và công trình hồ chứa nước Ea Rớt là công trình phục vụ tưới và khu di dân tái định cư, với dung tích 18,53 triệu m3. Công trình có nhiệm vụ cấp nước tưới cho 14.900 ha đất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt cho khoảng 73.000 người.

Cán bộ Ban Quản lý dự án công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh hướng dẫn người dân bốc thăm chọn vị trí đất ở, đất sản xuất ở khu tái định cư.
Cán bộ Ban Quản lý dự án công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh hướng dẫn người dân bốc thăm chọn vị trí đất ở, đất sản xuất ở khu tái định cư.

Trong suốt quá trình triển khai, Dự án gặp nhiều trở ngại dẫn đến chậm tiến độ, đặc biệt là công tác GPMB, mà nguyên nhân chính là khó khăn trong việc xác nhận nguồn gốc đất. Khu vực triển khai Dự án chủ yếu là vùng đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc di cư vào sinh sống, đất canh tác chủ yếu lấn chiếm từ đất rừng do các công ty lâm nghiệp quản lý, phần lớn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thêm vào đó, việc sang nhượng, cho tặng từ người này sang người khác không được thực hiện theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, khi thực hiện hợp phần GPMB lúc Dự án mới triển khai chưa xây dựng được khung chính sách nên dẫn đến nhiều hộ dân vùng dự án không đồng thuận đối với các phương án bồi thường, hỗ trợ. Nhận thấy đó là một trong những “mấu chốt” quan trọng, nếu “gỡ” được vướng mắc này thì công tác GPMB sẽ được đẩy nhanh tiến độ nên ngay sau khi nhận nhiệm vụ, Ban A đã phối hợp với các đơn vị liên quan, đặc biệt là địa phương có Dự án đi qua xây dựng khung chính sách phù hợp để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng.

Hiện nay, Ban A đang tích cực phối hợp với địa phương có Dự án đi qua để thực hiện công tác chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB, được nhiều hộ dân đồng tình. Theo thống kê, từ đầu tháng 12 đến nay, Ban A đã phối hợp với huyện M’Drắk tổ chức chi trả tiền bồi thường hỗ trợ GPMB cho 98 hộ dân khu vực lòng hồ tại thôn 9 và thôn 10, xã Cư San, trong đó có 66 hộ đã nhận tiền. Các hộ còn lại tuy đồng tình với phương án nhưng chưa nhận tiền vì còn lo ngại số tiền chênh lệch phải trả sau khi về khu tái định cư do tiền đền bù, hỗ trợ không đủ. Người dân mong muốn nếu phần chênh lệch này được Nhà nước hỗ trợ thì phải xác nhận cho họ bằng văn bản. Còn các hộ dân có đất ở nhiều địa phương thuộc khu vực thu hồi đất thực hiện Dự án thì đề nghị phải nhận đủ tiền ở tất cả các phương án thì mới về khu tái định cư.

 
"Ngoài nhiệm vụ đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng, Ban Quản lý dự án công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh còn kịp thời hỗ trợ (cứu đói và phương tiện đi lại) đối với các hộ dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ trong thời gian qua".
 
Ông Phạm Văn Hạ cho biết

Ông Phạm Văn Hạ, Giám đốc Ban Quản lý dự án công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh cho biết, quá trình triển khai GPMB thực hiện Dự án, được sự quan tâm của Bộ NN-PTNT trong việc bố trí vốn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh sát sao trong công tác chỉ đạo, đôn đốc, đặc biệt là kiểm tra thực tế tại công trình đã kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, các cơ chế chính sách phát sinh đã được UBND tỉnh điều chỉnh phù hợp, cùng với đó lực lượng làm công tác bồi thường GPMB cũng được UBND tỉnh điều động kịp thời để hỗ trợ Ban A và các địa phương triển khai thực hiện. Kết quả, tính đến giữa tháng 12-2020, công tác kiểm đếm cơ bản hoàn thành; đã phê duyệt 48 phương án, với tổng số tiền trên 176 tỷ đồng. Thời gian tới, Ban A sẽ phối hợp với các địa phương tập trung đẩy nhanh công tác xác nhận nguồn gốc đất, xây dựng phương án và khẩn trương thẩm định trình UBND các huyện phê duyệt.

Thôn 11, xã Cư San (huyện M'Drắk) sẽ sớm được giải tỏa, bàn giao để thực hiện Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng.   Ảnh: H. Tuyết
Thôn 11, xã Cư San (huyện M'Drắk) sẽ sớm được giải tỏa, bàn giao để thực hiện Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng. 

Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình triển khai có một số vấn đề phát sinh. Đơn cử, sau khi phê duyệt phương án, một số hộ dân không thuộc đối tượng đền bù mà chỉ được hỗ trợ theo chính sách nên chưa đồng thuận cao, còn thắc mắc, mặc dù đã được giải thích cụ thể khi công khai phương án. Trong khi đó, một số hộ không muốn vào khu tái định cư (do thói quen, tập tục) mặc dù khu tái định cư đã được xây dựng khang trang đầy đủ hơn nơi ở cũ và có đất ở, đất canh tác lúa nước, canh tác nương rẫy... Do đó, để Dự án đúng tiến độ theo kế hoạch, thời gian tới ngoài nỗ lực của chủ đầu tư và chính quyền địa phương các cấp, cần sự đồng thuận rất cao của người dân trong việc nhận tiền đền bù hỗ trợ sau khi phương án đã được duyệt. Đồng thời hợp tác với Ban A và các địa phương để sớm di dời nhà về khu tái định cư, ổn định cuộc sống và hoạt động sản xuất.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc