Multimedia Đọc Báo in

Trợ lực giúp người dân thoát nghèo

09:02, 28/12/2020

Việc triển khai thực hiện các chương trình giảm nghèo bền vững, các chính sách ưu đãi như vay vốn lãi suất thấp, hỗ trợ vật tư, thiết bị, cây trồng, vật nuôi cho người nghèo trên địa bàn huyện Krông Pắc thời gian qua đã phát huy hiệu quả, tạo động lực giúp người dân phát triển kinh tế.

Năm 2007, gia đình ông Ai Dế ở buôn Ea Đrai, xã Tân Tiến được hỗ trợ 1 con bò giống theo Chương trình 135 của Chính phủ. Được tham gia các lớp tập huấn về chăm sóc vật nuôi do địa phương tổ chức, Ai Dế nắm chắc kỹ thuật chăn nuôi và nhân đàn được 2 con bò giống. Tiếp tục nhận được trợ lực với số tiền 20 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, Ai Dế gom góp mua 5 sào rẫy cà phê để phát triển sản xuất. Nhờ được chăm bón chu đáo, vườn cây phát triển tốt, cho năng suất ổn định. Với thu nhập trên 50 triệu đồng/năm, gia đình Ai Dế đã thoát nghèo vào năm 2017. Đến nay, ông đã mua được thêm 1 ha đất rẫy, 3 con trâu, 1 xe máy cày và xây được ngôi nhà kiên cố.

Cán bộ huyện Krông Pắc tham quan mô hình nuôi cá lồng bè trên đập Krông Búk hạ cho hiệu quả kinh tế cao của người dân.
Cán bộ huyện Krông Pắc tham quan mô hình nuôi cá lồng bè trên đập Krông Búk hạ cho hiệu quả kinh tế cao của người dân.

Cũng nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền mà gia đình ông Ai Chiếu ở xã Ea Hiu đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Gia đình Ai Chiếu trước đây có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Đông con, không có đất sản xuất, vợ chồng ông phải đi làm thuê để có tiền cho con ăn học. Năm 2017, gia đình ông được hỗ trợ dê giống theo Chương trình 135 của Chính phủ để phát triển kinh tế. Từ 4 con giống ban đầu, nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, đàn dê sinh trưởng tốt và đến nay đã nhân đàn lên gần 40 con. Sau thành công ban đầu từ việc chăn nuôi, gia đình ông được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 20 triệu đồng để mua thêm 3 sào ruộng lúa mở rộng sản xuất. Từ đó, đời sống gia đình ông Ai Chiếu ngày càng ổn định.

 
Việc triển khai lồng ghép có hiệu quả các chương trình giảm nghèo của Chính phủ như Chương trình 132, 134, 135, 167, 168... đã góp phần làm thay đổi diện mạo đời sống người dân tộc thiểu số và người dân vùng khó khăn".
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc Nguyễn Thị Kim Oanh

Ông Trần Ngọc Dũng, Chủ tịch UBND xã Ea Hiu cho hay, toàn xã hiện có hơn 100 hộ dân được hưởng lợi từ các chương trình giảm nghèo. Giai đoạn 2016 - 2020, số hộ nghèo trên địa bàn xã Ea Hiu giảm từ 637 hộ xuống còn 316 hộ. Trước đây, khi nhận hỗ trợ, một số hộ dân chưa biết cách phát huy nguồn vốn dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao, thì đến nay, với sự hỗ trợ thiết thực, sát sao của các cấp chính quyền, người dân đã dần thay đổi tư duy sản xuất, đầu tư, chăn nuôi có hiệu quả, tăng năng suất cây trồng.

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc cho biết, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn huyện là hơn 30,5 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hơn 26,4 tỷ đồng, ngân sách địa phương hỗ trợ các mô hình giảm nghèo bền vững ở các xã khó khăn và đặc biệt khó khăn 4,1 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, chính quyền địa phương và người dân đã nỗ lực thực hiện các mô hình, dự án giảm nghèo bền vững như: nuôi bò cái sinh sản, nuôi dê sinh sản, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo…

Mô hình nuôi dê luân chuyển do Trạm Khuyến nông huyện Krông Pắc hỗ trợ cho hộ nghèo trên địa bàn huyện.
Mô hình nuôi dê luân chuyển do Trạm Khuyến nông huyện Krông Pắc hỗ trợ cho hộ nghèo trên địa bàn huyện.

Những năm qua, Ban Chỉ đạo giảm nghèo từ huyện đến các xã, thị trấn cũng tăng cường chỉ đạo tổ chức rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn để xác định các đối tượng thụ hưởng chính sách; thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện chính sách giảm nghèo tới đối tượng thụ hưởng. Bên cạnh đó, huyện cũng không ngừng chăm lo phát triển kinh tế, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, triển khai các chương trình hỗ trợ giúp người dân vay vốn, tăng gia sản xuất, sửa chữa nhà ở, ổn định đời sống.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.