Multimedia Đọc Báo in

Xã Cư M'gar (huyện Cư M'gar): Huy động nguồn lực sức dân làm đường giao thông

08:59, 11/12/2020

Những năm gần đây, xã Cư M’gar (huyện Cư M’gar) đẩy mạnh xây dựng hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân lưu thông, vận chuyển nông sản, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Để có con đường bê tông khang trang dài 175 m, rộng 3 m ở buôn Huk B như hiện nay, ngoài sự hỗ trợ xi măng của Nhà nước, các hộ dân trong buôn đã tự nguyện đóng góp thêm từ 300.000 – 1 triệu đồng mỗi hộ để nâng cấp, mở rộng đường. Gia đình ông Lê Thanh Hưng là một trong những hộ tiên phong và hiến đất nhiều nhất để làm đường ở buôn Huk B. Để mở rộng và góp phần bê tông hóa tuyến đường, gia đình ông đã hiến 30 m2 đất, chặt đi một hàng cà phê và đóng góp thêm 1 triệu đồng. Nhìn tuyến đường mới khang trang bên hông nhà, ông Hưng phấn khởi: “Thấy đường hẹp, đi lại khó khăn, gia đình tôi quyết định hiến đất để mở rộng, làm đường cho thẳng đẹp, tạo điều kiện cho bà con đi lại thuận lợi. Nếu cần phải hiến thêm đất nữa thì gia đình vẫn sẵn sàng”.

Một đoạn đường ở buôn Huk B đang được bê tông hóa.
Một đoạn đường ở buôn Huk B đang được bê tông hóa.

Tương tự, với sự đồng thuận của người dân, mới đây buôn Kna B cũng đã bê tông hóa được 4 đoạn đường với chiều dài 242 m, rộng 3 m, dày 14 cm. Ông Vũ Xuân Bảo, Phó Bí thư Chi bộ buôn Kna B chia sẻ: “Đời sống của bà con trong buôn vẫn còn rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo khá nhiều nhưng khi địa phương có chủ trương bê tông hóa tuyến đường, bà con ai cũng tích cực hưởng ứng, tham gia đóng góp kinh phí để làm đường, mức đóng góp bình quân 1 triệu đồng/hộ. Không chỉ năm nay, năm 2019 buôn cũng huy động nhân dân bê tông hóa được hai đoạn đường, với chiều dài 1,3 km”.

Xã Cư M’gar hiện có 68,42% tuyến đường liên xã được trải nhựa và bê tông; 82,12% đường thôn, buôn được nhựa hóa, bê tông hóa.

Không chỉ ở buôn Huk B và Kna B, phong trào làm đường giao thông nông thôn lan tỏa khắp các thôn, buôn trong xã Cư M’gar. Điều đáng quý, dù cuộc sống của nhiều hộ còn khó khăn nhưng nhờ địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động và thuyết phục một cách hợp lý đã khơi dậy được tinh thần tự giác, tự nguyện của nhân dân hiến đất, góp công, góp sức làm đường. Theo thống kê, từ năm 2011 đến nay, xã Cư M’gar đã huy động được hơn 22,2 tỷ đồng xây dựng đường giao thông, chiếm hơn 44,93% tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã. Riêng từ đầu năm 2020 đến nay, địa phương đã huy động được hơn 12,1 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 1 tỷ đồng. Từ các nguồn vốn huy động được, xã đã xây dựng 11,25 km đường, trong đó 7,95 km đường bê tông và 3,3 km đường cấp phối đá dăm. Ngoài hỗ trợ về tiền, người dân còn đóng góp hàng trăm ngày công lao động và hiến đất để mở rộng, uốn nắn lại những con đường cho thẳng, đẹp.

Đoàn đường này trước đây là diện tích đất của gia đình ông Lê Thanh Hưng (bên phải).
Đoàn đường này trước đây là diện tích đất của gia đình ông Lê Thanh Hưng (bên phải).

Ông Nguyễn Quang Dáp, Phó Chủ tịch UBND xã Cư M’gar cho biết: “Nhìn chung, khi triển khai làm đường, bà con rất hưởng ứng, tích cực góp tiền, góp công, hiến đất, xây dựng các công trình… Cán bộ, đảng viên luôn gương mẫu thực hiện trước, làm “hạt nhân” để tuyên truyền, vận động bà con. Nhiều hộ tuy không phải khá giả nhưng vẫn sẵn sàng đóng góp, có hộ đóng góp gần 20 triệu đồng... Đến nay, hệ thống đường giao thông trên địa bàn xã đã được xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu đi lại và giao thương hàng hóa của người dân”.

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.