Dấu ấn trong công tác giảm nghèo
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2016/NQ-HĐND, ngày 14-12-2016 của HĐND tỉnh (viết tắt là Nghị quyết 15) về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016 - 2020 công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực.
Theo UBND tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020, ngân sách Trung ương bố trí cho chương trình giảm nghèo gần 770 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển 559,5 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 209 tỷ đồng; ngân sách địa phương bố trí gần 85,6 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển 68,3 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 17,3 tỷ đồng); huy động nhân dân đóng góp 35 tỷ đồng để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu; vốn tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác 6.985 tỷ đồng; lồng ghép đầu tư từ các chương trình, dự án khác 1.389 tỷ đồng. Riêng năm 2020, ngân sách nhà nước các cấp bố trí 243 tỷ đồng, vốn huy động xã hội hóa 10 tỷ đồng, vốn lồng ghép 273 tỷ đồng.
Mô hình nuôi gà thả vườn của chị Đàm Thị Kim Anh, xã Cư Êwi (huyện Cư Kuin). |
Đảng bộ tỉnh xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn 2021 - 2025 là giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,5 - 2%/năm, riêng tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm từ 3 - 4%/năm. Theo đó, các cấp, ngành sẽ ưu tiên nguồn lực để giảm nghèo vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn; đa dạng hóa nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo và xây dựng chính sách hỗ trợ tạo việc làm, an sinh xã hội đối với các nhóm lao động yếu thế, dễ bị tổn thương.
|
Với sự đầu tư nguồn lực từ Trung ương, địa phương và các nguồn khác để xây dựng các công trình giao thông, y tế, thủy lợi, giáo dục…, hệ thống hạ tầng thiết yếu vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa của tỉnh có nhiều khởi sắc. Đến nay, tỷ lệ xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hoặc bê tông hóa đạt 100%; tỷ lệ thôn, buôn ĐBKK có trục đường giao thông được cứng hóa đạt 85,60%. Ngoài ra, 100% xã ĐBKK đạt tiêu chí quốc gia về y tế; 100% xã ĐBKK có trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng, đáp ứng nhu cầu học tập, phổ biến kiến thức cho người dân; 90% hộ gia đình tại các xã, thôn, buôn ĐBKK được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; các công trình thủy lợi trên địa bàn xã, thôn, buôn ĐBKK đáp ứng 63,68% nhu cầu tưới tiêu cho diện tích cây trồng.
Xã Cư Êwi là một trong những điểm sáng về thực hiện Chương trình giảm nghèo của huyện Cư Kuin. Từ cuối năm 2017, địa phương đã ra khỏi diện xã ĐBKK, nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Điển hình như gia đình anh Đặng Văn Tịnh (thôn 3), trước đây thuộc diện hộ nghèo, nhờ vay vốn chính sách đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc không những giúp gia đình anh thoát nghèo mà còn xây dựng được trang trại chăn nuôi bò, hiện có thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Tương tự, từ một hộ nghèo, gia đình chị Đàm Thị Kim Anh (thôn 4) đã vươn lên trong phát triển kinh tế với mô hình nuôi gà thả vườn, thu nhập khoảng 500 triệu đồng/năm.
Với việc triển khai thực hiện Nghị quyết 15, đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 4,97%, bình quân cả giai đoạn 2016 - 2020 giảm 2,88%/năm; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) còn 14,63%, bình quân cả giai đoạn giảm 4,51%/năm; tỷ lệ hộ nghèo tại các xã ĐBKK còn 27,97%, bình quân giảm 5,5%/năm. Cùng với đó, chế độ an sinh xã hội cho hộ nghèo được chú trọng với nhiều hỗ trợ thiết thực. Cụ thể, trong giai đoạn này có 251.795 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư, sản xuất; 8.077 người nghèo được đào tạo nghề chăn nuôi, trồng nấm, may công nghiệp, xây dựng dân dụng…; 46.984 lượt học sinh, sinh viên được hỗ trợ về học phí, chi phí học tập, gạo; 9.703 hộ nghèo được xây dựng nhà ở.
Mô hình trồng cây ăn trái giúp người dân xã Ia R'vê (huyện Ea Súp) nâng cao thu nhập. |
Đánh giá về kết quả thực hiện Nghị quyết 15, Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh cho rằng, qua các chương trình, dự án giảm nghèo đã giúp người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội ngày càng tốt hơn; đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, đồng bào DTTS từng bước được cải thiện. Điều quan trọng là nhận thức của đại đa số người dân đã được thay đổi, mạnh dạn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, không chỉ trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước. Cùng với đó, việc trao quyền tự quyết cho cộng đồng trong việc thực hiện đã phát huy tinh thần năng động, sáng tạo của các địa phương, tăng cường sự tham gia của người dân trong quá trình thực hiện chương trình. Tuy nhiên, chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do nguồn lực đầu tư từ ngân sách hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế; chất lượng giảm nghèo còn thiếu bền vững, nguy cơ phát sinh và tái nghèo cao.
Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung thực hiện các giải pháp giảm nghèo, hạn chế tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo mới, thông qua các hoạt động hỗ trợ về đào tạo nghề, phát triển các mô hình kinh tế tạo thêm sinh kế cho người dân; đồng thời tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nước sạch…
Minh Chi
Ý kiến bạn đọc