Multimedia Đọc Báo in

Làm giàu trên quê hương

06:54, 03/01/2021

Bằng ý chí và khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, nhiều đoàn viên, thanh niên tỉnh nhà đã khởi nghiệp thành công với các mô hình kinh tế, góp phần xây dựng quê hương ngày càng đổi mới.

Trang trại nấm của anh Nguyễn Văn Chiến (xã Ea Hiu, huyện Krông Pắc) là một minh chứng. Tốt nghiệp đại học ngành công nghệ thông tin, từng làm việc cho một công ty ở TP. Hồ Chí Minh với mức lương khá hấp dẫn nhưng anh Chiến vẫn quyết định về quê lập nghiệp với mô hình trồng nấm. Năm 2014, sau khi học hỏi kinh nghiệm thực tế tại một số cơ sở ở TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, tìm hiểu thêm kỹ thuật qua sách báo, mạng Internet, anh Chiến đã mạnh dạn vay ngân hàng 200 triệu đồng, đầu tư xây dựng nhà xưởng, lò sấy, hệ thống dàn và ống tưới, dây chuyền tự động trộn mùn cưa cấy mô giống phục vụ việc trồng và sản xuất nấm.

Anh cho biết, trước đây, gia đình cũng đã từng trồng nấm nhưng không mang lại hiệu quả. Qua học hỏi kỹ thuật, tìm hiểu sâu hơn về quy trình anh nhận thấy đối với mô hình này, quan trọng nhất vẫn là khâu xử lý nhiệt và cấy giống. Sau khi phối trộn các nguyên liệu làm nguồn dinh dưỡng nuôi nấm phải đóng hỗn hợp này vào bịch và cho vào lò xử lý nhiệt khoảng 98 - 100 độ C, duy trì 4 - 6 giờ, rồi đưa vào ủ ở môi trường kín gió từ 15 – 20 ngày.

a
Anh Nguyễn Văn Chiến (bên phải) giới thiệu mô hình sản xuất nấm.
Hiện toàn tỉnh có hơn 300 mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi với mức thu nhập từ 200 triệu đồng/năm trở lên. Trong đó nhiều mô hình còn tạo được việc làm ổn định, thời vụ cho lao động địa phương với mức thu nhập trên 3 triệu đồng/tháng.

Nhờ áp dụng tốt khoa học kỹ thuật mà trang trại nấm của anh ngày càng phát triển đạt năng suất cao, chất lượng tốt. Hiện tại, trang trại rộng 4.000 m2 trồng các loại như: nấm mèo, sò, linh chi, cho lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động tại địa phương, với mức thu nhập 3 – 3,5 triệu đồng/tháng. Anh Nguyễn Văn Chiến là thanh niên nông thôn duy nhất ở Đắk Lắk được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao giải thưởng Lương Định Của lần thứ XV năm 2020.

Lập gia đình rồi ra ở riêng, anh Hoàng Văn Cảnh (xã Cư Elang, huyện Ea Kar) vẫn luôn trăn trở nghĩ cách làm sao để làm giàu ngay trên chính mảnh vườn cằn cỗi, sỏi đá của mình. Sau khi tham quan những mô hình làm kinh tế hiệu quả trên những vùng đất bạc màu, năm 2012 anh Cảnh quyết định chuyển đổi 4 ha đất trồng hoa màu hiệu quả thấp sang trồng cam, quýt.

Để theo đuổi hướng đi mới này, anh phải cải tạo lại vườn cây, đồng thời lắp đặt hệ thống nước tưới tự động và sử dụng phân sinh học thay cho phân hóa học để cây phát triển tốt, bền vững. anh Cảnh cho biết, để cam và quýt đường bán được giá hơn, anh đã tìm cách cho quả ra trái mùa. Bên cạnh đó, anh còn chú trọng đến việc sản xuất an toàn theo khuyến cáo của ngành chuyên môn. Bởi vậy, cam, quýt luôn ngọt, mọng nước, mẫu mã đẹp được thương lái ưa chuộng, có đầu ra ổn định. Trung bình mỗi năm, gia đình anh xuất bán khoảng 50 tấn cam, quýt, bưởi, thu về lợi nhuận hơn 500 triệu đồng.

a
Đoàn viên thanh niên tham quan mô hình kinh tế tổng hợp của thanh niên huyện Cư M'gar.

Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều tấm gương thanh niên trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn lập nghiệp, phát triển kinh tế dựa vào thế mạnh của địa phương, vươn lên làm chủ cuộc sống. Để thúc đẩy phong trào thi đua lập thân, lập nghiệp trong thanh niên, thời gian qua các cấp bộ Đoàn – Hội trong tỉnh đã thành lập cầu nối giúp thanh niên học nghề, tiếp cận việc làm, nguồn vốn ưu đãi. Từ thực tế triển khai công tác hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, các huyện, thị, thành đoàn đã thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp, gắn với các hoạt động trang bị kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp, phát triển kinh tế, có nhiều giải pháp, sáng kiến phù hợp với tình hình địa phương.

Trong những năm trở lại đây, Tỉnh Đoàn liên tục tổ chức các chương trình “Sáng tạo khởi nghiệp”, “Thanh niên khởi nghiệp”; cuộc thi “Khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh” để thúc đẩy tinh thần kinh doanh trong thanh niên, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn còn chỉ đạo Hội LHTN Việt Nam tỉnh phối hợp tổ chức ra mắt Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Đắk Lắk. Quỹ đầu tư có mức vốn góp của các nhà đầu tư ban đầu là 1,9 tỷ đồng, qua đó sẽ góp phần hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi sự kinh doanh tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 trong thanh niên và các doanh nghiệp.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.