Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực: Tạo động lực để phát triển doanh nghiệp
Với nhiều điểm mới sửa đổi, Luật Doanh nghiệp 2020 đã đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp (DN), giúp DN cắt giảm chi phí và thời gian trong quá trình khởi sự kinh doanh, hứa hẹn sự khởi sắc trong hoạt động phát triển DN trong thời gian tới.
Thuận lợi hơn cho doanh nghiệp
Luật Doanh nghiệp năm 2020 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 9, ngày 17-6-2020 nhằm thay thế cho Luật Doanh nghiệp năm 2014. Luật Doanh nghiệp năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1-1-2021, có nhiều điểm mới đáng kể, ảnh hưởng đến việc thành lập, hoạt động của DN. "Điểm nhấn" đáng chú ý là công tác cải cách hành chính đã được "luật hóa" khi Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định đa dạng các phương thức nộp hồ sơ đăng ký DN.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Nghị định 78/2015/NĐ-CP, khi đăng ký DN, người thành lập DN có thể nộp hồ sơ theo một trong hai phương thức là nộp trực tiếp hoặc nộp qua mạng thông tin điện tử. Trên thực tế tại nhiều địa phương, một số cơ quan đăng ký kinh doanh cũng đã thực hiện việc trả kết quả qua bưu điện.
Theo Điều 26 Luật Doanh nghiệp năm 2020, luật chính thức ghi nhận các phương thức nộp hồ sơ đăng ký DN cho cơ quan đăng ký kinh doanh, gồm: đăng ký trực tiếp tại cơ quan đăng ký kinh doanh; đăng ký qua dịch vụ bưu chính và đăng ký qua mạng thông tin điện tử. Việc đa dạng các phương thức nộp hồ sơ đăng ký DN là sự tiến bộ đáng ghi nhận, là tiền đề thực hiện cải cách thủ tục hành chính về đăng ký DN, hướng đến sự thuận lợi về khởi sự kinh doanh cho DN, nhà đầu tư.
Các doanh nghiệp được tư vấn chữ ký số tại Chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp. |
Bên cạnh đó, Luật Doanh nghiệp năm 2020 tiếp tục thực hiện một bước cải cách đáng kể về con dấu của DN là bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu. Cụ thể, khoản 2 và khoản 3 Điều 43 của Luật quy định: DN quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của DN, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của DN; việc quản lý và lưu giữ dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty hoặc quy chế do DN, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc đơn vị khác của DN có dấu ban hành. DN sử dụng dấu trong các giao dịch theo quy định của pháp luật. Luật Doanh nghiệp năm 2020 cũng không còn quy định nội dung bắt buộc phải thể hiện trên con dấu của DN.
Sau khi triển khai Luật Doanh nghiệp 2020 và Nghị định số 01/2021/NĐ-CP, quy trình khởi sự kinh doanh ở Việt Nam giảm từ 8 thủ tục với 16 ngày xuống chỉ còn 3 thủ tục với 6 ngày, góp phần tạo nên bước tiến lớn trong khởi sự kinh doanh ở Việt Nam.
|
Ngoài ra, Luật Doanh nghiệp năm 2020 còn bổ sung đối tượng không được thành lập và quản lý DN và bổ sung DN có thể có “dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử” bên cạnh “dấu được làm tại cơ sở khắc dấu”. Việc bổ sung này ghi nhận “dấu dưới hình thức chữ ký số” là phù hợp với tình hình thực tế và xu thế cách mạng công nghiệp hiện nay.
Hiệu quả tức thì
Có thể nói, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã có những sửa đổi đáng kể về thủ tục thành lập DN, khởi sự kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người thành lập DN cũng như DN. Để thi hành Luật Doanh nghiệp 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 01/2021/NĐ-CP, ngày 4-1-2021 về đăng ký DN với nhiều điểm đổi mới. Đây là nghị định có phạm vi tác động lớn, trực tiếp đến toàn bộ cộng đồng DN. Nghị định được ban hành tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho DN gia nhập thị trường, thông qua các giải pháp nhằm giảm bớt thủ tục hành chính, giảm khối lượng thông tin cần kê khai, giảm số lượng cơ quan nhà nước cần tiếp xúc. Cụ thể, nghị định đã tích hợp 4 quy trình gồm: đăng ký thành lập DN; đăng ký bảo hiểm xã hội; khai trình lao động; đăng ký sử dụng hóa đơn vào một quy trình.
Theo đó, DN sẽ chỉ phải chuẩn bị một bộ hồ sơ, kê khai một biểu mẫu, thực hiện thủ tục tại một cơ quan là cơ quan đăng ký kinh doanh và nhận một kết quả duy nhất. Các cơ quan nhà nước sẽ chia sẻ thông tin với nhau thay vì yêu cầu DN phải kê khai ở nhiều nơi như trước đây. Toàn bộ quy trình trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước sẽ được thực hiện qua mạng điện tử. Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 122/2020/NĐ-CP, ngày 15-10-2020 quy định về phối hợp, liên thông thủ tục đăng ký thành lập DN với nhiều thủ tục khác nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các DN.
Các doanh nghiệp được tư vấn thủ tục thành lập, chính sách thuế tại Chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp. |
Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Bùi Anh Tuấn cho biết, việc Chính phủ ban hành nghị định đầu tiên của năm mới - một nghị định về đăng ký DN ngay trong ngày làm việc đầu tiên của năm 2021 đã mở ra những hy vọng khởi sắc cho hoạt động phát triển DN. Kết quả là trong tuần làm việc đầu tiên, cả nước đã có 18.000 hồ sơ đăng ký DN được xử lý, với 2.100 DN thành lập, tăng 46% so với năm ngoái và tăng 55% so với cùng thời điểm bắt đầu thi hành Luật Doanh nghiệp năm 2015.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Đắk Lắk, trong tuần làm việc đầu tiên của năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 20 DN thành lập mới, tăng 7 DN so với cùng kỳ và tăng 5 DN so với cùng thời điểm bắt đầu thi hành Luật Doanh nghiệp năm 2015. Hy vọng rằng những sửa đổi này sẽ là tín hiệu tích cực, giúp cải thiện chỉ số khởi sự kinh doanh, môi trường kinh doanh của Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng trên bảng xếp hạng, đánh giá môi trường kinh doanh toàn cầu.
Khả Lê
Ý kiến bạn đọc