Multimedia Đọc Báo in

Tiểu thương không "mạnh tay" dự trữ hàng Tết

08:37, 26/01/2021

Chợ Tết Tân Sửu 2021 đã bắt đầu nhộn nhịp người mua kẻ bán, hàng hóa đa dạng phục vụ nhu cầu sắm Tết của người dân.

Hàng hóa phong phú, sức mua đang tăng

Theo thông lệ, mùa kinh doanh Tết bắt đầu sôi động từ đầu tháng 12 âm lịch. Thời điểm này, tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột, chợ Tân An, chợ đầu mối Tân Hòa…, người đến mua sắm đông hơn hẳn so với thường nhật. Năm nay, hàng hóa ở chợ truyền thống đa dạng, phong phú, sẵn sàng phục vụ người tiêu dùng. Hiện mỗi ngày chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột đón hơn 1.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm. Đón khách sớm nhất là các gian hàng quần áo thời trang, giày dép và thực phẩm khô. Anh Nguyễn Nhật Nam, kinh doanh giày dép tại khu chợ B cho hay, hàng hóa phục vụ Tết có rất nhiều mẫu mã, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Năm nay, số lượng hàng anh nhập về bán không tăng so với năm trước và ưu tiên ở dòng sản phẩm bình dân, ở mức 70.000 - 120.000 đồng/sản phẩm.

Với mặt hàng bánh, mứt, đồ khô, giá cả không tăng so với mọi năm. Chợ Tết bày bán đầy đủ, phong phú các mặt hàng bánh kẹo, mứt, hạt dưa, hạt bí, mực khô, bò khô… Riêng mứt Tết có đến 30 loại, chủ yếu có giá từ 60.000 - 80.000 đồng/kg. Hiện lượng khách lẻ mua mặt hàng này chưa nhiều, chủ yếu là các đầu mối nhập hàng để vận chuyển đi các huyện trong tỉnh phục vụ nhu cầu mua sắm Tết.

Đối với mặt hàng thịt heo, nguồn cung hiện nay cơ bản đã ổn định. Theo nhiều tiểu thương, với đặc thù

Người tiêu dùng chọn mua bánh, mứt Tết tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột.
Người tiêu dùng chọn mua bánh, mứt Tết tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột.

kinh doanh ở chợ truyền thống thì thịt heo đông lạnh trữ để bán Tết là điều không khả thi. Song tiểu thương kinh doanh mặt hàng này đã làm việc với các đầu mối cung ứng, có kế hoạch chủ động nguồn hàng bán. Chị Nguyễn Thị Thư, chủ quầy thịt heo tại chợ đầu mối Tân Hòa cho hay, thông thường sau ngày 20-12 âm lịch, sức mua mặt hàng này mới tăng cao. Tuy nhiên, năm nay, chị dự đoán sức mua có tăng, nhưng không nhiều, vì giá thịt vẫn ở mức cao, người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang dùng các loại thực phẩm tươi sống khác để thay thế. Vì thế không lo thiếu nguồn cung thịt heo dịp Tết.

Không “mạnh tay” dự trữ nhiều hàng bán Tết

Dù sức mua hiện đang có đà tăng, người dân trong tỉnh nhộn nhịp đi sắm Tết, song theo dự đoán của nhiều tiểu thương, kinh tế năm vừa qua chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19 khiến thu nhập của đại bộ phận nhân dân cũng giảm sút. Vì vậy, người tiêu dùng sẽ thắt chặt chi tiêu và không mạnh tay sắm Tết như mọi năm.

Thay vì dự trữ với số lượng lớn thì năm nay tiểu thương ở chợ không lấy lượng lớn hàng về để dự trữ bán Tết như mọi năm. Đồng thời, thay đổi cơ cấu dự trữ hàng, tập trung vào nhóm hàng thiết yếu ở dòng bình dân, giảm các sản phẩm ở dòng cao cấp. Anh Nguyễn Nhật Nam chia sẻ, từ hơn hai tháng trước, anh đã nhập hàng về với số lượng ít hơn hẳn mọi năm để bán Tết và đến đầu tháng 12 âm lịch thì ngưng hẳn việc nhập hàng vì sức mua dịp Tết năm nay rất khó đoán. Tuy nhiên, đến thời điểm này, khi hoạt động mua bán ở chợ khá nhộn nhịp, tiểu thương như anh muốn nhập thêm hàng để bán cũng không có vì dịch bệnh phức tạp, nguồn cung ứng hàng hóa không dồi dào như mọi năm, phía nhà sản xuất cũng không dám sản xuất đồng loạt như trước đây mà làm theo đơn hàng của các đại lý bán lẻ, trong đó ưu tiên dòng hàng ở phân khúc bình dân. Chị Phan Thanh Thi, tiểu thương quầy thực phẩm khô tại chợ Tân An cho hay, dịp Tết này, chị nhập hàng về bán chỉ bằng một nửa so với năm trước. Phần vì kinh tế khó khăn, phần nữa là do các kênh phân phối bán lẻ trên địa bàn hiện cũng đa dạng hơn, người tiêu dùng sẽ có thêm lựa chọn mua sắm ở nhiều nơi. Riêng thực phẩm khô, bán hết đến đâu, chị nhập thêm hàng bán tiếp chứ không trữ như mọi năm, bởi ôm hàng trong dịp Tết này là rất rủi ro.

Gian hàng bán giày dép tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột nhộn nhịp khách mua sắm.
Gian hàng bán giày dép tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột nhộn nhịp khách mua sắm.

Dù là mùa kinh doanh lớn nhất trong năm, song các tiểu thương ở chợ truyền thống vẫn gặp trở ngại do bị chia khách bởi các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn. Thay vào đó, tiểu thương chấp nhận lãi ít, duy trì thường xuyên mức giá ưu đãi nhất định với khách hàng. Đồng thời, thay đổi nhiều thói quen như cương quyết nói không với hành vi kinh doanh kiểu chụp giật, “chặt, chém”, không nói thách, chèo kéo khách…, ngược lại, vui vẻ cho khách dùng thử, nhỏ nhẹ trong lời ăn tiếng nói với người mua…

Ông Nguyễn Duy Quảng, Trưởng Ban Quản lý chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên việc chuẩn bị hàng hóa, mua sắm Tết ở chợ phải bảo đảm công tác phòng chống dịch. Ban Quản lý chợ vẫn rất nghiêm túc, chú trọng tuyên truyền, thông báo trên loa ở chợ về cách thức phòng chống dịch bệnh, bố trí nước rửa tay sát khuẩn, yêu cầu người dân mang khẩu trang khi mua sắm ở chợ..

Đỗ Lan

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.