"Điểm nghẽn" trong thu hút đầu tư FDI
Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một trong những nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và tỉnh ta nói riêng. Tuy nhiên, thời gian qua, sự đóng góp của khu vực kinh tế này đối với nền kinh tế vẫn chưa tương xứng.
Số dự án khiêm tốn
Thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài và Nghị quyết số 50-NQ/TW, ngày 20-8-2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, khu vực có vốn FDI ngày càng đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của tỉnh. Bên cạnh những kết quả có thể định lượng, còn có nhiều tác động lan tỏa khi dòng vốn FDI kéo theo sự thay đổi như: thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), từ năm 2015 đến nay, tỉnh thu hút được 5 dự án FDI, với số vốn đăng ký là 6,65 triệu USD, nâng tổng số dự án FDI đang triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh lên 14 dự án, với tổng số vốn đăng ký hơn 135 triệu USD. Các dự án đến từ nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Thái Lan, Singapore, Trung Quốc và Hà Lan, thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, trung tâm mua sắm, môi trường. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 21 văn phòng đại diện, tổng đại lý, cửa hàng kinh doanh, cửa hàng giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp FDI khác đặt tại tỉnh.
Dự án Siêu thị Go (TP. Buôn Ma Thuột) được xây dựng từ nguồn vốn FDI. |
“Để thu hút các dự án nói chung và dự án FDI nói riêng, trong thời gian tới tỉnh sẽ tiếp cận trực tiếp các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, công nghệ tiên tiến cả trong và ngoài nước để mời gọi quan tâm đầu tư vào tỉnh”.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Xuân Hà
|
Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của Sở KH-ĐT, tốc độ thu hút FDI trong thời gian qua còn khiêm tốn so với nhu cầu phát triển và tiềm năng của tỉnh, lĩnh vực đầu tư chưa đa dạng, chủ yếu là sơ chế nông lâm sản, chưa có dự án sử dụng công nghệ cao, đóng góp ngân sách và tác động lan tỏa của khu vực FDI còn rất hạn chế. Bên cạnh yếu tố đặc thù về vị trí (khu vực Tây Nguyên), thì nguyên nhân chủ yếu làm ảnh hưởng đến kết quả thu hút FDI trong thời gian qua của tỉnh là do hạn chế về kết cấu hạ tầng. Đắk Lắk có vị trí xa cảng biển và các thành phố lớn, trong khi hạ tầng giao thông kết nối còn chưa đảm bảo. Vận tải chủ yếu bằng đường bộ và đường hàng không do chưa có đường sắt, trong khi hạ tầng giao thông đường bộ kết nối liên tỉnh, liên vùng, kể cả hạ tầng giao thông nội tỉnh còn chưa đồng bộ. Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột có quy mô nhỏ, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển... đã làm gia tăng chi phí, tác động không nhỏ đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thu hút đầu tư của tỉnh trong thời gian qua.
Cần giải pháp đồng bộ
Ông Đinh Xuân Hà, Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, để giải quyết "điểm nghẽn" nêu trên, từ đó đẩy mạnh thu hút đầu tư vào tỉnh nói chung và thu hút FDI nói riêng, góp phần khơi thông nguồn vốn, trước mắt tỉnh ta cần tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông kết nối với các khu du lịch, các khu, cụm công nghiệp, các vùng có tiềm năng phát triển kinh tế. Đặc biệt là tập trung hoàn thành các dự án đầu tư hạ tầng trọng điểm như: xây dựng đường Hồ Chí Minh (đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột); phối hợp hoàn chỉnh các thủ tục đề nghị Chính phủ đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp các quốc lộ: 26, 27, 29, 19 C và Quốc lộ 14C (giai đoạn 2); đường Trường Sơn Đông. Đồng thời, kiến nghị với Trung ương quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, mang tính kết nối để tạo đòn bẩy cho việc thu hút vốn đầu tư vào tỉnh như: Tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang, cao tốc Buôn Ma Thuột - Liên Khương, tuyến đường giao thông đến cửa khẩu Đắk Ruê (Đắk Lắk), các tuyến đường kết nối Đắk Lắk với các tỉnh, tuyến đường sắt Buôn Ma Thuột - Tuy Hòa, đầu tư nâng cấp Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột thành Cảng hàng không quốc tế…
Thu hút FDI của Việt Nam. Nguồn: Bộ KH-ĐT, Tổng cục Thống kê (số liệu tính đến 20-12-2020) |
Ông Phan Xuân Bách, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh chia sẻ, ngoài việc huy động các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng trên địa bàn thì Đắk Lắk cần có "quỹ đất sạch” để thu hút được các nhà đầu tư cũng như thúc đẩy nguồn vốn FDI trong thời gian tới.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đứng trước cơ hội và thách thức, Việt Nam cần có các giải pháp đồng bộ để thu hút FDI có hiệu quả. Bên cạnh việc chuẩn bị mặt bằng, hạ tầng giao thông, cần hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo lập môi trường đầu tư hấp dẫn, chủ động trong việc lựa chọn dự án và nhà đầu tư. Đồng thời kịp thời nắm bắt, giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc để có giải pháp hỗ trợ, nhất là các vướng mắc về đất đai, đầu tư, xây dựng. Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, cơ hội đầu tư, các lợi thế của địa phương, danh mục các dự án mời gọi đầu tư.
Khả Lê
Ý kiến bạn đọc