Doanh nghiệp xuất khẩu Đắk Lắk: Vững vàng trong "bão giông"
Thương trường vốn đã nhiều thách thức, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của đại dịch covid-19 lại càng khiến các doanh nghiệp (DN) chịu nhiều áp lực. Năm 2020, DN xuất khẩu của tỉnh đã có một năm vượt khó ngoạn mục, vẫn bền bỉ, nỗ lực để thu về kết quả khả quan.
T rong năm 2020, hoạt động xuất khẩu trải qua không ít thăng trầm, trong đó có cả những “nốt lặng”. Với những DN ở lĩnh vực này, đây là một năm có khá nhiều tâm tư, thấm thía. Ông Nguyễn Xuân Lợi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái nhớ lại, đến giữa quý II-2020, hoạt động xuất khẩu tại DN này vẫn không mấy khả quan, giao dịch quốc tế bị chững lại, phía đối tác giãn các đơn hàng nhập khẩu, tình hình kinh doanh giảm sút. Thay vì những đơn hàng xuất đi đúng tiến độ thì nay bị chậm trễ lại. Lượng hàng tồn kho tăng lên, chi phí vận chuyển cộng thêm, rồi nỗi lo công nhân thiếu việc làm...
Đóng gói cà phê đã qua chế biến tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái. |
“Một năm vượt bão và giữ đà phát triển ổn định, khó khăn vẫn chưa hết nhưng kết quả trên sẽ là “chất xúc tác” để doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh phát huy nội lực, bước sang một năm mới đầy hứng khởi, vững vàng và khởi sắc hơn".
Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công thươn
g
|
Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk cũng không phải là ngoại lệ. Các nước thực hiện giãn cách, đóng cửa biên giới đã ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa và sức mua của các nhà nhập khẩu. Đơn hàng mới xuất đi ở cả mặt hàng cà phê lẫn hồ tiêu của công ty hầu như không có trong suốt thời gian dịch bệnh do mức chi tiêu mua sắm trung bình của người dân giảm, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm đang đàm phán bị chững lại do các đối tác không thể sang Việt Nam để làm việc và xem hàng. Chuỗi cung ứng thị trường xuất khẩu bị đứt đoạn, cước phí vận chuyển quốc tế tăng lên... Tất cả đã tạo thành áp lực lớn cho DN xuất khẩu.
Đứng trước những khó khăn đó, các DN phải tìm cách vực dậy chính mình. Đối với Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái là nỗ lực đổi mới phương pháp tiếp cận khách hàng, kết nối với đối tác; thay đổi hình thức giao dịch từ trực tiếp sang gián tiếp, đẩy mạnh những đơn hàng đang có. Mặt khác, đa dạng hóa sản phẩm và phân khúc ở các dòng sản phẩm khác nhau, tạo ra sự khác biệt trong tiêu chí sản xuất để tăng sự lựa chọn cho khách hàng; chấp nhận tăng lượng hàng tồn kho để bảo đảm cung ứng khi đơn hàng tăng lên. Nhờ đó, từ quý III, xuất khẩu của đơn vị đã lấy lại sự tăng trưởng. Kết thúc năm 2020, công ty vẫn cán đích kim ngạch xuất khẩu như kế hoạch đã đặt ra.
Trong khi đó, với bản lĩnh của một DN xuất khẩu lâu năm trên thương trường, ông Lê Đức Huy, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk cho hay, trước tình thế khó khăn, đơn vị đã xây dựng kỹ kịch bản đối phó để đạt mục tiêu đề ra. DN nỗ lực rất lớn trong việc hoàn thiện hệ thống thương mại điện tử, kết nối với đối tác bằng hình thức trực tuyến. Nhờ đó, kênh liên lạc nội bộ và khách hàng vẫn diễn ra liên tục, đạt hiệu quả. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, nhà nhập khẩu các nước ngừng hoạt động thì đây cũng là cơ hội để thương lượng, chăm sóc và am hiểu sâu sắc về khách hàng của mình hơn. Đơn vị tập trung vào khâu nâng cao chất lượng nhân sự, chú trọng hơn đến các hoạt động tiếp thị, tìm hiểu thị trường… Nửa cuối năm 2020, hoạt động xuất khẩu hồi phục và tăng trưởng khá, bù lại những tháng thiếu hụt trước đó. Công ty vẫn duy trì sản xuất ổn định, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động.
Vận chuyển hàng hóa phục vụ xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk. |
Theo ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương, hoạt động xuất khẩu bị tác động bởi nhiều yếu tố bất lợi đã gây không ít khó khăn cho DN xuất khẩu của tỉnh. Thế nhưng điều đáng mừng là xuất khẩu cà phê vẫn được duy trì ổn định và có sự tăng trưởng khá như tại thị trường Nhật Bản (tăng 14,9%), Thụy Sĩ (tăng 20,2%). Niên vụ 2019 - 2020, xuất khẩu cà phê của tỉnh đạt 195.247 tấn, tăng 5.995 tấn so với niên vụ 2018 - 2019, chiếm tỷ trọng 11,9% so với cả nước. Kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 331,9 triệu USD, tăng hơn 17,4 triệu USD so với niên vụ trước (tăng 5,5%). Tỉnh cũng thu hút được nhiều DN trong ngành kinh doanh, chế biến cà phê. Toàn tỉnh hiện có 12 DN tham gia xuất khẩu cà phê (tăng 1 doanh nghiệp), trong đó có 8 DN địa phương, 3 DN FDI và 1 chi nhánh của DN TP. Hồ Chí Minh hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Cùng với nỗ lực của DN, UBND tỉnh cũng đã chủ động chỉ đạo các cấp, các ngành tháo gỡ khó khăn, thực hiện hiệu quả những gói hỗ trợ của Chính phủ nên kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng của tỉnh năm 2020 đạt 600 triệu USD, chỉ giảm 3% so với năm 2019. Đây là một thành công trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Nhiều DN tin tưởng, tốc độ tăng trưởng sắp tới chắc chắn sẽ được duy trì, nhất là khi có thêm nhiều cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) mang lại.
Duy Khôi
Ý kiến bạn đọc