Huyện Cư M'gar: Lan tỏa phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi
Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi” ở huyện Cư M’gar những năm qua ngày càng lan tỏa sâu rộng, thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Huyện Cư M’gar hiện có hơn 23.000 hội viên, nông dân tham gia sinh hoạt tại 17 cơ sở hội với 189 chi hội. Để phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi” đi vào chiều sâu, các cấp hội nông dân trong huyện đã chủ động tuyên truyền, phổ biến về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của phong trào; hiệu quả, lợi ích của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai thổ nhưỡng ở địa phương, nhu cầu của thị trường; đồng thời tạo điều kiện để hội viên tham quan học tập kinh nghiệm từ các mô hình kinh tế hiệu quả, hỗ trợ vay vốn, cây, con giống, vật tư nông nghiệp, tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống...
Nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi được UBND huyện Cư M'gar biểu dương. |
Đến nay, toàn huyện Cư M'gar đã có 9.980 hộ hội viên, nông dân được công nhận danh hiệu “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp”; trong đó, có 4 hộ đạt “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” cấp Trung ương, 1.457 hộ đạt cấp tỉnh, 3.315 hộ đạt cấp huyện và 5.211 hộ đạt cấp xã, thị trấn.
|
Trong 5 năm qua (2015 - 2020), các cấp Hội Nông dân huyện Cư M’gar đã tạo điều kiện cho hơn 3.700 lượt hội viên, nông dân được vay các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; tổ chức được 482 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hơn 13.400 lượt hội viên, nông dân; hỗ trợ 7.123 hộ mua hơn 7.800 tấn phân bón các loại theo hình thức trả chậm, trị giá trên 27 tỷ đồng… Đặc biệt, thông qua phong trào đã phát huy được tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau trong các cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn huyện. Tính từ năm 2015 đến nay, các hội viên, nông dân trên địa bàn đã hỗ trợ hơn 1.670 kg giống các loại, 16.100 cây trồng, 3.630 con giống, 9.830 ngày công và 8 tỷ đồng cho 1.750 hội nghèo phát triển sản xuất, kinh doanh.
Hằng năm, trên 18.000 hội viên, nông dân trên địa bàn huyện đăng ký tham gia phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (chiếm tỷ lệ hơn 65% số hộ nông dân). Ông Nguyễn Tấn Hiển, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cư M’gar cho biết: Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình làm kinh tế giỏi trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và các ngành dịch vụ”.
Điển hình như gia đình chị Bế Thị Thu là một trong những hộ nông dân tiêu biểu ở thôn Hiệp Thành (xã Quảng Hiệp) có thu nhập khá từ chuyên canh rau xanh. Trên diện tích 5.000 m2, mỗi năm chị Thu trồng một vụ dưa leo, hoặc đậu cô ve, còn vụ thứ hai trồng cà chua. Cách làm này có tác dụng cải tạo, tăng độ tơi xốp cho đất, cũng như hạn chế các loại cỏ dại và dịch hại gây bệnh. Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên vườn rau của gia đình chị Thu luôn phát triển xanh tốt, năng suất, sản lượng ngày càng cao. Bình quân mỗi năm chị Thu xuất bán ra thị trường hàng chục tấn rau xanh các loại, sau khi trừ hết chi phí, chị có thu nhập gần 200 triệu đồng/năm.
Chị Bế Thị Thu chăm sóc vườn cà chua của gia đình. |
Hay như gia đình anh Nguyễn Văn Đại ở thôn 6 (xã Cư M’gar) làm giàu từ nuôi bò lai nhốt chuồng với quy mô 8 con bò mẹ. Để đảm bảo nguồn thức ăn xanh và giàu dinh dưỡng cho đàn bò, anh đã dành hơn 3 sào đất để trồng cỏ. Nhờ chủ động nguồn thức ăn kết hợp với chăm sóc, phòng trừ bệnh hợp lý nên đàn bò của gia đình anh sinh trưởng, phát triển tốt và mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình. Đến nay, anh Đại đã xuất bán 7 con bò với giá bán bình quân từ 23 - 25 triệu đồng/con, đặc biệt có những con lên đến hơn 30 triệu đồng; sau khi trừ chi phí, gia đình anh có lãi 100 triệu đồng. Không chỉ nuôi bò, gia đình anh Đại còn có nguồn thu nhập ổn định hơn 100 triệu đồng từ hơn 2 ha cà phê trồng xen hồ tiêu và sầu riêng..
Trung Dũng
Ý kiến bạn đọc