Multimedia Đọc Báo in

Huyện M'Drắk: Phát triển trồng rừng nguyên liệu thành ngành kinh tế mũi nhọn

16:29, 05/02/2021

Khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều vùng đất trống, đồi núi trọc của huyện M’Drắk dần được phủ màu xanh mướt của những rừng keo lai. Rừng trồng đã và đang làm thay đổi bộ mặt của nhiều vùng quê nghèo, góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng ở địa phương, cải thiện môi sinh môi trường.

Với lợi thế về đất đai, khí hậu, trong những năm qua Huyện ủy, UBND huyện M’Drắk xác định lâm nghiệp là một thành phần kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của địa phương, từ đó đề ra nhiều chủ trương để phát triển ngành kinh tế lâm nghiệp, đặc biệt là trồng rừng nguyên liệu. Những chủ trương này đã được các doanh nghiệp và người dân trên địa bàn ủng hộ. Trên vùng đất đồi núi bạc màu, xưa nay vốn trồng những loại cây ngắn ngày, hiệu quả kinh tế thấp nay đã được bà con, các doanh nghiệp chuyển sang trồng keo và sau vài năm đã biến thành những rừng keo xanh ngút ngàn.

 Lực lượng chức năng huyện M’Drắk kiểm tra công tác  phòng cháy, chữa cháy rừng
Lực lượng chức năng huyện M’Drắk kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Theo người dân ở đây, đất ở huyện M’Drắk tuy bạc màu nhưng lại đặc biệt “kết” cây keo. Năm đầu xuống giống chỉ làm vài đợt cỏ, còn từ năm thứ hai cho đến khi thu hoạch thì chỉ cần phòng, chống cháy cho rừng vào mùa khô chứ không phải tốn thêm công gì cho rừng trồng nữa. Không như những loại cây trồng khác sau khi xuống giống phải phun nhiều loại thuốc để phòng chống sâu bệnh, đối với cây keo lai thì tuyệt nhiên không, cả chu kỳ 5 năm chẳng phải tốn một đồng tiền thuốc.

Về hiệu quả kinh tế cũng hiếm có loại cây nào trên vùng đất này bằng được như keo lai, với chi phí đầu tư cho mỗi héc-ta rừng khoảng 20 triệu đồng cho một chu kỳ 5 năm, khi thu hoạch sẽ thu về khoảng 100 triệu đồng, trừ chi phí lãi khoảng 50 - 70 triệu đồng/ha. Đến nay, huyện M’Drắk có khoảng 15.000 ha rừng trồng, mỗi năm khai thác khoảng 1.000 ha với sản lượng gỗ hơn 100.000 m3.

Người dân huyện M’Drắk chăm sóc rừng trồng
Người dân huyện M’Drắk chăm sóc rừng trồng.

Đi đôi với việc phát triển diện tích rừng trồng, tại huyện M’Drắk đã phát triển được hệ thống các đơn vị thu mua và chế biến gỗ rừng trồng. Điển hình như: Nhà máy chế biến dăm gỗ của Hợp tác xã Tiến Nam với công suất khoảng 100.000 tấn/năm, đảm bảo thu mua, chế biến gần như toàn bộ sản lượng gỗ rừng trồng hằng năm tại địa phương.

Không chỉ mang lại lợi ích to lớn về kinh tế, rừng trồng ở huyện M’Drắk cũng đang tạo ra lợi ích không nhỏ về cải thiện môi sinh, môi trường, góp phần nâng độ che phủ rừng của địa phương lên 53%. Cùng với đó, kinh tế rừng trồng phát triển giúp người dân có việc làm, tạo thu nhập ổn định từ đó giảm thiểu việc họ vào rừng khai thác lâm sản trái phép, vì vậy mà đỡ áp lực cho rừng tự nhiên.

Chế biến gỗ rừng trồng ở huyện M’Drắk -
Chế biến gỗ rừng trồng ở huyện M’Drắk.

Theo UBND huyện M’Drắk, thời gian tới địa phương tiếp tục quy hoạch, duy trì vùng sản xuất ở phía Đông và Đông Nam; gắn sản xuất với chế biến gỗ rừng trồng để nâng cao chuỗi giá trị cho sản phẩm... Ngoài ra, hướng tới phát triển một số diện tích rừng trồng sang trồng các loài cây gỗ lớn nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và góp phần bảo vệ môi trường.

Bảo Ngọc

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.