Multimedia Đọc Báo in

Thu hút đầu tư vào đất rừng: Bài toán cần lời giải

08:18, 22/02/2021

Để giữ được “rừng vàng”, ngoài công tác quản lý, bảo vệ thì việc đầu tư, khai thác và phát triển rừng cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng. Tuy nhiên công tác này chưa thực sự được quan tâm, triển khai hiệu quả trong thời gian qua.

Nhiều vướng mắc

Đắk Lắk là địa phương có diện tích rừng tương đối lớn với 514.991 ha, trong đó rừng tự nhiên chiếm hơn 446.222 ha, còn lại hơn 68.768 ha là rừng trồng.

Hiện tại phần lớn đất rừng là do các vườn quốc gia, lâm trường quốc doanh và chính quyền địa phương quản lý, nhưng nhiều diện tích sử dụng chưa đúng mục đích và chưa đem lại hiệu quả như mong muốn. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh còn hơn 220.997 ha đất chưa có rừng. Trong khi đó, lại chưa có nhiều nhà đầu tư lớn đầu tư vào rừng trồng.

Theo UBND tỉnh, trên địa bàn hiện có 64 dự án đầu tư phát triển nông lâm nghiệp đã có quyết định cho thuê đất với diện tích là 43.825,5 ha. Trong đó, diện tích có rừng là 27.519,8 ha và diện tích chưa có rừng và đất nông nghiệp là 16.305,7 ha, thuộc địa bàn các huyện: Ea Súp (26 dự án), Buôn Đôn (3 dự án), Ea H’leo (18 dự án), Krông Năng (4 dự án), Lắk (4 dự án), M’Drắk (4 dự án), Ea Kar (1 dự án), Krông Búk (1 dự án) và Krông Ana (1 dự án).

Trong đó có 44 dự án phải thực hiện thuê rừng gắn với thuê đất. Tuy nhiên, đến nay mới có 18 dự án hoàn thành thủ tục này và các chủ dự án đã triển khai trồng rừng được hơn 15.168 ha. Trong đó, cải tạo trồng rừng được hơn 1.421 ha; trồng rừng, trồng cao su hơn 13.746 ha (chưa tính các loài cây trồng nông nghiệp kết hợp và chăn nuôi gia súc, gia cầm).

Thu hoạch gỗ rừng trồng trên địa bàn xã Cư Kty (huyện Krông Bông).
Thu hoạch gỗ rừng trồng trên địa bàn xã Cư Kty (huyện Krông Bông).
“Để việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng chuyển biến tích cực, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tổ chức triển khai thực hiện Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016 - 2030 tỉnh Đắk Lắk”.
Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Hoài Dương

Tiến độ thực hiện các dự án được đánh giá là chậm so với quy hoạch (chỉ đạt 56,63%) do nhiều nguyên nhân, vướng mắc mà chủ yếu là do một số dự án đất quy hoạch trồng rừng, trồng cao su bị xâm canh, lấn chiếm, tranh chấp trái phép vẫn chưa thu hồi được để trồng lại rừng theo quy hoạch của dự án. Tình trạng dân di cư tự do vào lấn chiếm đất rừng và sang nhượng, mua bán trái phép diễn ra khá phức tạp, trong khi lực lượng điều tra, xử lý còn hạn chế… nên rất khó khăn trong việc quản lý và duy trì diện tích rừng này. Mặt khác, hiện nay chưa có cơ chế, chính sách hợp lý để các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh có hiệu quả hoặc có cơ chế hỗ trợ, hưởng lợi đối với diện tích rừng được giao nên không tạo được động lực cũng như trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng của các chủ dự án. Từ năm 2015 đến nay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc không được phép chuyển đổi rừng tự nhiên để trồng cây công nghiệp nên các dự án phát triển cây cao su gặp nhiều khó khăn. Các dự án cải tạo rừng vướng mắc về cơ chế chính sách do quy định về cải tạo rừng tại các thông tư hướng dẫn của Bộ NN–PTNT thay đổi nhiều lần. Chưa kể hiện tại việc cải tạo rừng khộp nghèo chưa cho phép thực hiện, nên hầu hết các dự án bị chậm tiến độ.

Cần cơ chế chính sách phù hợp

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN–PTNT cho biết, hiện nay tỉnh ta chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn để sử dụng hiệu quả rừng và đất rừng. Diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn mới dừng lại ở bước nỗ lực bảo vệ chứ chưa có nguồn lực, kinh phí cũng như dự án đầu tư để cải tạo, phát triển rừng hay chuyển đổi sang các cây trồng khác có hiệu quả. Vì vậy, để phát huy được hiệu quả kinh tế của đất rừng, cần có cơ chế, chính sách phát triển rừng phù hợp với điều kiện  thực tiễn địa phương nhằm khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư trồng rừng, bảo vệ rừng và chế biến lâm sản. Đồng thời cần có chính sách hỗ trợ kinh phí từ Trung ương, địa phương bố trí bảo vệ rừng đối với diện tích rừng đang giao cho các doanh nghiệp thuê rừng nhưng chủ yếu quản lý bảo vệ rừng nghèo kiệt, không có nguồn thu từ rừng. Hơn nữa, cần có quy hoạch, định hướng, khuyến khích phát triển mạng lưới chế biến lâm sản gắn liền với vùng nguyên liệu nhằm tạo thị trường tiêu thụ ổn định.

Cán bộ huyện M’Drắk thăm mô hình trồng rừng keo năng suất cao tại xã Cư Mta (huyện M'Drắk).  Ảnh: Tiến Ninh
Cán bộ huyện M’Drắk thăm mô hình trồng rừng keo năng suất cao tại xã Cư Mta (huyện M'Drắk). Ảnh: Tiến Ninh

Để thúc đẩy thu hút đầu tư vào đất rừng, tỉnh đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ xây dựng và ban hành cơ chế doanh nghiệp đặc thù như đối với các công ty lâm nghiệp để có thể bổ sung vốn điều lệ, vốn vay để đầu tư kinh doanh, phát triển rừng. Bên cạnh đó, cần có cơ chế cho các dự án được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư phát triển nông lâm nghiệp và xây dựng ban hành chính sách mới phù hợp đảm bảo cho đối tượng nhận rừng yên tâm quản lý, bảo vệ và tăng cường đầu tư để phát triển rừng. Tỉnh cũng đã đề nghị với Bộ NN–PTNT xây dựng cơ chế rõ ràng hơn về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của đối tượng nhận rừng để họ yên tâm đầu tư, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng lâu dài, nhất là đối với diện tích rừng tự nhiên đang giao cho các chủ dự án thuê rừng quản lý bảo vệ rừng nghèo kiệt. Quan trọng hơn là cần có quy định cụ thể xử lý khó khăn, vướng mắc hiện nay cho các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện dự án trên đất rừng và sớm ban hành các giải pháp kỹ thuật để địa phương triển khai các dự án cải tạo rừng tự nhiên nghèo, nghèo kiệt để trồng rừng thâm canh, nông lâm kết hợp công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi giá trị .

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.