Multimedia Đọc Báo in

Xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng: Còn nhiều vướng mắc

08:51, 26/02/2021

Thời gian qua, công tác xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh đã đạt một số kết quả tích cực, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Nợ xấu được ví như “cục máu đông” của nền kinh tế, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của ngành ngân hàng. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk (NHNN) đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tỉnh triển khai đồng bộ những giải pháp xử lý “cục máu đông” này, hạn chế nợ xấu phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng.

Riêng đối với các quỹ tín dụng nhân dân, phải tiếp tục thực hiện tái cơ cấu lại hoạt động gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2017 – 2020 theo phương án đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, các TCTD nâng cao năng lực tài chính, quản trị rủi ro, kiểm soát chặt chẽ quá trình thẩm định, xét duyệt hồ sơ vay để kiểm soát nợ xấu; phối hợp với các cơ quan chức năng, nhất là công an, tòa án, viện kiểm sát và văn phòng đăng ký đất đai trong quá trình thực hiện những quy định của pháp luật liên quan. Ngoài những biện pháp này, với các TCTD có tỷ lệ nợ xấu trên 3% thì triển khai đồng bộ các giải pháp tín dụng như cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Hoạt động giao dịch tại Phòng giao dịch Thuần Mẫn thuộc Vietcombank Đắk Lắk.
Hoạt động giao dịch tại Phòng giao dịch Thuần Mẫn thuộc Vietcombank Đắk Lắk.
Theo Nghị quyết 42/2017/QH14, ngày 21-6-2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD thì các ngân hàng được quyền thu giữ tài sản đảm bảo với điều kiện trong hồ sơ thế chấp có điều khoản về nội dung này. Tuy nhiên, các hợp đồng bảo đảm ký trước thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực không có điều khoản trực tiếp thể hiện điều trên. Muốn thực hiện thu giữ tài sản thì các TCTD phải đàm phán với bên vay để ký lại hợp đồng nhưng khách hàng không hợp tác.

Theo số liệu của NHNN, đến cuối năm 2020, tổng nợ xấu trên địa bàn tỉnh là 5.292 tỷ đồng. Các TCTD đã xử lý, thu hồi được 2.549 tỷ đồng nợ xấu, trong đó, đôn đốc khách hàng tự trả nợ được 1.434 tỷ đồng, sử dụng dự phòng rủi ro 897 tỷ đồng, phát mãi tài sản đảm bảo để thu nợ 69 tỷ đồng, nhận tài sản bảo đảm thay cho nghĩa vụ trả nợ 108 tỷ đồng, còn lại là bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) và xử lý bằng hình thức khác.

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng theo đại diện các ngân hàng, quá trình thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, có nhiều khách hàng vay vốn mua phương tiện vận tải, đi lại thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay cho ngân hàng (ngân hàng giữ giấy chứng nhận đăng ký phương tiện, khách hàng được sử dụng tài sản thế chấp) cố tình chây ì, không thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký kết. Trong quá trình xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ xấu thì khách hàng đã tự ý bán, cầm cố phương tiện (tài sản đang thế chấp ngân hàng) cho bên thứ ba nên ngân hàng không thể thu giữ tài sản thế chấp. Tuy nhiên, việc khởi kiện khách hàng vi phạm để thu hồi nợ không hiệu quả, thời gian kéo dài vì tòa án không xem xét xử lý tài sản đảm bảo của khoản vay do không xác định, thẩm định thực tế tài sản thế chấp theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho tổ chức, cá nhân đã thế chấp ngân hàng bị hủy do vi phạm pháp luật về đất đai, đã tước đi quyền xử lý tài sản của ngân hàng, dẫn đến rủi ro lớn cho hoạt động cho vay của các TCTD. Ngoài ra, quá trình tổ chức thi hành án, xử lý tài sản đảm bảo cũng có nhiều vướng mắc do không thống nhất trong việc xác định giá trị của tài sản thế chấp trước khi thực hiện đấu giá (định giá tài sản thấp hơn nhiều so với giá thị trường), gây thiệt hại cho các TCTD cũng như khách hàng có tài sản phát mãi. Chưa kể, nhiều trường hợp khách hàng không hợp tác với ngân hàng trong việc bàn giao tài sản để xử lý nợ xấu.

Cán bộ Phòng giao dịch Cư Kuin thuộc Agribank Đắk Lắk kiểm tra thực tế việc sử dụng vốn vay của khách hàng.
Cán bộ Phòng giao dịch Cư Kuin thuộc Agribank Đắk Lắk kiểm tra thực tế việc sử dụng vốn vay của khách hàng.

NHNN cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm nay là chỉ đạo các TCTD thực hiện nghiêm phương án cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu. Tập trung chỉ đạo các đơn vị có tỉ lệ nợ xấu cao chủ động xây dựng phương án, kế hoạch xử lý nợ xấu, có các giải pháp hạn chế phát sinh nợ xấu và thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo quy định. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, thanh tra, giám sát các TCTD về việc chấp hành các quy định về cấp tín dụng, an toàn trong hoạt động ngân hàng. Đối với các TCTD, áp dụng triệt để các giải pháp để xử lý nhanh, triệt để nợ xấu và phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh để nâng cao chất lượng tín dụng.

Minh Thông

 


Ý kiến bạn đọc