Multimedia Đọc Báo in

Cựu chiến binh làm giàu từ mô hình kinh tế tổng hợp

06:25, 03/03/2021

Sau thời gian tham gia quân ngũ, đến năm 1989 ông Trần Sáu xuất ngũ trở về quê hương ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Cuộc sống nơi quê nhà gặp nhiều khó khăn nên năm 1998 ông quyết định vào lập nghiệp tại buôn Krai, xã Bông Krang (huyện Lắk).

Không cam chịu đói nghèo, ông Sáu bắt tay ngay vào làm kinh tế. Từ hơn 7 sào đất khai hoang được, vợ chồng ông trồng các loại cây như: rau khoai, ớt, cà tím… và làm thuê cuốc mướn trang trải cuộc sống. Là người năng động, nhạy bén, khi để dành được ít vốn, ông vay mượn thêm rồi xây dựng chuồng trại nuôi heo giống. Thông qua Hội Cựu chiến binh xã Bông Krang, ông Sáu tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, tham quan học hỏi kinh nghiệm một số mô hình kinh tế tổng hợp trên địa bàn; từ đó ông quyết định chuyển hướng sang trồng các loại cây công nghiệp như: cà phê, tiêu kết hợp trồng cau và trồng cỏ nuôi bò lai. Mỗi năm ông Sáu lại trồng xen thêm cây cau để tăng thu nhập cho gia đình.

Cựu chiến binh Trần Sáu chăm sóc đàn bò lai.
Cựu chiến binh Trần Sáu chăm sóc đàn bò lai.

Đến nay, trên diện tích hơn 7 sào đất của gia đình, ngoài cà phê và tiêu, hiện gia đình ông Sáu có 100 cây cau đã cho thu hoạch 5 năm, với giá bán 50.000 đồng/kg mỗi năm vườn cau cho thu nhập gần 100 triệu đồng, chưa kể 200 cây cau đang bước vào vụ thu bói. Ngoài trồng trọt, ông vẫn duy trì chăn nuôi 8 con bò lai 3B và 22 con heo thịt, heo nái. Hiện nay, tổng thu nhập từ mô hình trồng trọt, chăn nuôi của gia đình ông là 150 - 170 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. Ông Trần Sáu chia sẻ: “Từ mô hình kinh tế tổng hợp, mỗi thứ làm một ít, gia đình tôi lấy ngắn nuôi dài, tận dụng nguồn phân từ chăn nuôi để bón cho cây trồng nên cũng bớt được chi phí đầu tư… Tích lũy dần, đến năm 2018 gia đình tôi đã thoát được nghèo, xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm máy móc trang thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất và chăm lo cho các con học hành”.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Trần Sáu còn tích cực tham gia hoạt động hội cựu chiến binh tại địa phương. Năm 2009, ông được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh buôn Krai và Trưởng buôn Krai. Với vai trò là người đầu tàu trong công tác hội, ông thường xuyên thăm hỏi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên và người dân, kết hợp tuyên truyền vận động bà con xây dựng đời sống văn hóa, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Điển hình như ông đã vận động cán bộ, hội viên cựu chiến binh hiến đất, đóng góp ngày công lao động làm đường giao thông nông thôn, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Ông Sáu còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về sản xuất cho hội viên, người dân để cùng phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống.

Vy Thủy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.