Multimedia Đọc Báo in

Du lịch trên vùng đất anh hùng hứa hẹn khởi sắc

09:37, 07/03/2021

Buôn Đắk Tuôr (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) được chính quyền địa phương chọn làm điểm phát triển du lịch cộng đồng, giúp người dân ở đây tạo sinh kế mới để ổn định và cải thiện đời sống, từng bước rút ngắn khoảng cách giữa vùng sâu, vùng xa và vùng đô thị.

Tự hào là “địa chỉ đỏ” cách mạng

Để giúp đỡ, hỗ trợ buôn Đắk Tuôr thực hiện mục tiêu trên, cuối năm 2020, Sở VH-TT-DL đã có cuộc khảo sát, đánh giá tiềm năng, thế mạnh nhằm phát triển du lịch cộng đồng ở đây. Qua tìm hiểu, nắm bắt đời sống thực tế, đoàn khảo sát nhận định tiềm năng và thế mạnh nổi bật nhất trên vùng đất này là truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang của quân và dân các dân tộc tại chỗ trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước. Truyền thống ấy gắn liền với những “địa chỉ đỏ” tiêu biểu như: Nơi diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ III (tháng 7-1966); Hang đá Đắk Tuôr - nơi cơ quan Tỉnh ủy đóng chân để xây dựng vùng căn cứ cách mạng Krông Bông và lãnh đạo, chỉ đạo quân dân trong vùng lập nên những chiến công vang dội trong giai đoạn 1965 – 1975.

Suối Đắk Tuôr một trong những danh thắng nổi tiếng trên địa bàn xã Cư Pui, huyện Krông Bông.
Suối Đắk Tuôr một trong những danh thắng nổi tiếng trên địa bàn xã Cư Pui, huyện Krông Bông.

Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui Nguyễn Văn Tâm tự hào rằng, giờ đây những “địa chỉ đỏ” trên trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn và vô cùng có ý nghĩa cho nhiều thế hệ hôm nay và mai sau. Hơn thế, đằng sau những di tích trên là vô vàn những câu chuyện (sự kiện) bi thương nhưng hào hùng của quân và dân vùng căn cứ năm xưa đã tô thắm nên trang sử vẻ vang cho vùng đất anh hùng này trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước. Những tấm gương hy sinh như Má Hai - Huỳnh Thị Hường, anh Bùi Thế Châu, Võ Sanh, Lê Hữu Kiển, Y Ơn, Y Thuyên, H’Lanh… cùng nhiều đồng chí, đồng đội khác trong những tháng năm không thể nào quên ấy - nếu được kể lại bằng tư liệu, hình ảnh một cách sinh động sẽ là sản phẩm du lịch manh tính chất “điểm nhấn” để lại cảm xúc, ấn tượng sâu đậm cho du khách khi đến đây.

 
“Mong rằng, những di tích lịch sử tại địa phương sẽ nhận được sự quan tâm đầu tư thỏa đáng để nhanh chóng tôn tạo, xây dựng thành điểm đến du lịch hấp dẫn, góp phần phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương nói riêng và cả tỉnh nói chung; trong đó buôn Đắk Tuôr sẽ là điểm đến hấp dẫn du khách nhờ sở hữu những giá trị lịch sử, văn hóa nổi bật và tiêu biểu”.
 
Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui Nguyễn Văn Tâm

Chưa hết, dưới góc nhìn của nhiều người trong cuộc thì những trang sử cách mạng vẻ vang ở đây cũng sẽ là tài sản vô giá giúp các cộng đồng dân tộc ở đây phát triển du lịch, nhất là du lịch về nguồn, hay trở lại chiến trường xưa. Bởi một khi du khách, nhất là lớp trẻ hiện nay đến thăm và trải nghiệm với khu căn cứ cách mạng Đắk Tuôr sẽ có dịp hiểu thêm bề dày lịch sử và tầm quan trọng của địa chỉ đỏ này.

Hứa hẹn Đắk Tuôr khởi sắc                 

Trưởng Phòng VH-TT-DL huyện Krông Bông Phạm Minh Tấn chia sẻ: Ngành văn hóa sẽ giúp cộng đồng làm du lịch trên địa bàn sưu tầm, biên soạn và thuyết minh cho du khách về lịch sử đấu tranh chống Mỹ trên “vùng đất thép” Đắk Tuôr ngày nào. Đặc biệt là trong thời kỳ chống “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ (1965 – 1968), quân và dân vùng căn cứ đã vượt qua nhiều gian nguy để giữ vững thế tấn công kẻ thù. Trong đó Cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đánh vào thị xã Buôn Ma Thuột, làm rối loạn chính quyền địch, đưa cách mạng miền Nam chuyển sang giai đoạn mới - chủ động tiến công địch trên khắp các chiến trường… được coi là thắng lợi to lớn và hết sức có ý nghĩa.

Bia Di tích lịch sử ghi nhớ sự kiện diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk  lần thứ III, tháng 7-1966 tại buôn Đắk Tuôr.
Bia Di tích lịch sử ghi nhớ sự kiện diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ III, tháng 7-1966 tại buôn Đắk Tuôr.

Tiếp đó, từ năm 1969 – 1972, bộ đội và nhân dân các dân tộc vùng căn cứ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh để giữ vững “đầu não” cách mạng, bảo vệ vùng giải phóng, góp phần làm thất bại âm mưu “Việt Nam hóa chiến tranh” của quân xâm lược. Thời kỳ 1973 – 1975, nơi đây đóng vai trò “bàn đạp” cung cấp sức người, sức của cho chiến trường Đắk Lắk chủ động tấn công kẻ thù trên các mặt quân sự, vũ trang và chính trị… mà đỉnh cao là Chiến thắng Buôn Ma Thuột (10-3-1975), góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà.

Đến nay, Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965 – 1975), trong đó vùng lõi  Đắk Tuôr được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia là tiền đề quan trọng giúp cộng đồng người Êđê ở đây biến ước mơ của mình thành hiện thực: Đắk Tuôr - điểm đến không thể bỏ qua khi đến Đắk Lắk. Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui Nguyễn Văn Tâm cho biết: Cùng với bề dày truyền thống đấu tranh cách mạng, buôn Đắk Tuôr nói riêng và xã Cư Pui nói chung đang nỗ lực gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống (cồng chiêng, nhà dài, lễ hội, ca vũ dân gian, ẩm thực…) nhằm phục vụ du khách khi xúc tiến xây dựng loại hình du lịch cộng đồng.

  Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.