Niềm vui của người dân Krông Bông
Nhiều năm liền phải lưu thông trên những tuyến đường hư hỏng, xuống cấp, giờ đây người dân huyện Krông Bông đã đón nhận được niềm vui lớn khi các tuyến giao thông huyết mạch được đầu tư, xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Khổ vì giao thông
Krông Bông là vùng căn cứ cách mạng và cũng là huyện vùng sâu khó khăn của tỉnh. Toàn huyện hiện có hơn 20 nghìn hộ, với hơn 100 nghìn nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 40%. Đến nay, Krông Bông vẫn là huyện thuần nông, thu nhập chủ yếu của người dân đến từ các cây trồng chính như cà phê, ngô, mì, lúa nước và các loại cây ngắn ngày khác...
Nhiều năm nay, người dân địa phương hết sức bức xúc về sự xuống cấp của hệ thống giao thông trên địa bàn, đặc biệt là hai tuyến đường huyết mạch là Tỉnh lộ 9 và Tỉnh lộ 12. Thêm vào đó, cơn bão số 12 xảy ra vào cuối năm 2017 đã làm cầu Cư Păm nằm giữa hai xã Hòa Tân và Khuê Ngọc Điền (Tỉnh lộ 9) bị gãy.
Mặc dù ngay sau đó, Sở Giao thông vận tải đã lắp dầm thép bắc qua hai trụ cầu làm cầu tạm vượt điểm gãy gập, nhưng giới hạn tải trọng qua cầu dưới 3 tấn, chiều cao 2 mét, chủ yếu dành cho xe con, xe tải nhỏ, xe máy và người đi bộ qua lại nên việc vận chuyển hàng hóa, nông sản, nguyên vật liệu của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Hằng ngày các xe tải thu gom rác ở khu vực trung tâm huyện Krông Bông của Công ty TNHH Hoàng Phương Nam phải chở rác đi vòng 40 km qua huyện Cư Kuin mới đến được bãi rác ở xã Cư Kty, thay vì đi theo Tỉnh lộ 9 chỉ khoảng 8 km. Để bù cho đoạn đường đi vòng này, hằng tháng huyện Krông Bông phải hỗ trợ công ty hơn 100 triệu đồng...
Các đơn vị thi công xây dựng cầu Cư Păm. |
Chủ tịch UBND huyện Krông Bông Lê Văn Long cho biết, trong những năm qua, có nhiều doanh nghiệp đến tìm hiểu, tìm cơ hội đầu tư vào huyện, nhưng sau khi đi khảo sát dù tiềm năng rất lớn, nhưng họ đều lắc đầu bỏ đi do đường giao thông quá khó khăn. Bên cạnh đó, do chi phí vận chuyển tăng cao nên tại đây giá cả các mặt hàng tiêu dùng đến các loại vật tư đầu vào của ngành nông nghiệp, vật liệu xây dựng đều tăng cao so các nơi khác. Trong khi đó, các loại nông sản do người dân sản xuất ra đều bị tư thương ép giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường khiến đời sống của người dân ở đây vốn đã khó khăn nay càng khó khăn hơn.
Niềm vui trong năm mới
Để giảm bớt nỗi khổ của người dân vì giao thông, cuối năm 2018 tuyến Tỉnh lộ 12 nối từ Quốc lộ 27 đến trung tâm huyện Krông Bông đã được khởi công cải tạo, nâng cấp cục bộ từ đoạn Km 0+00 - Km 13+869 với chiều dài 13,86 km, đi qua các xã Yang Reh, Ea Trul, Hòa Sơn và thị trấn Krông Kmar. Tuyến đường đạt tiêu chuẩn công trình cấp III, thiết kế cấp IV vùng đồi, bề rộng nền đường 5,5 m, mặt đường thiết kế cấp cao A2 (cấp phối đá dăm láng nhựa), vận tốc thiết kế 40 km/giờ… Dự án có tổng vốn đầu tư 40 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh (Ban Quản lý dự án) làm chủ đầu tư và hoàn thành vào tháng 6-2020, tạo điều kiện cho người dân lưu thông được thuận lợi trong dịp đầu Xuân Tân Sửu 2021.
Thi công sửa chữa, nâng cấp Tỉnh lộ 9. |
Ông Phan Xuân Bách, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án cho biết, trong quá trình thi công dự án, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đã phát hiện nhiều bất cập có thể ảnh hưởng đến chất lượng công trình, do đó đã đề xuất điều chỉnh dự án nhằm phù hợp với thực tế và đảm bảo tính bền vững của công trình. Ngày 14-10-2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2465/QĐ-UBND về việc phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng Dự án cải tạo, nâng cấp cục bộ Tỉnh lộ 12, đoạn Km 0+00 - Km 13+869. Theo đó, Dự án được điều chỉnh, bổ sung quy mô đầu tư về kết cấu áo đường cấp cao A1, mặt đường bê tông nhựa…và điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 40 tỷ đồng lên hơn 88 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án được điều chỉnh từ giai đoạn 2018 – 2020 thành giai đoạn 2018 – 2021. Hiện đơn vị đang tiến hành thực hiện các thủ tục để triển khai quyết định của UBND tỉnh.
Ngoài Tỉnh lộ 12, tuyến Tỉnh lộ 9 cũng được Ban Quản lý dự án khởi công cải tạo, nâng cấp từ tháng 9-2020. Dự án có chiều dài hơn 5,3 km, điểm đầu tại Km 21+363 (thuộc địa phận xã Khuê Ngọc Điền) và điểm cuối tại Km 26+702 (thuộc địa phận thị trấn Krông Kmar), được nâng cấp mở rộng đạt tiêu chuẩn công trình cấp III, thiết kế đường cấp IV (vùng núi), quy mô bề rộng nền đường 5,5 m, mặt đường bê tông xi măng, vận tốc thiết kế 40 km/giờ… Dự án có tổng vốn gần 36 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành vào tháng 3-2022. Tuy nhiên đến nay toàn tuyến đã được hoàn thành cơ bản, người dân đã không còn phải trải qua cảm giác “phi ngựa lọc cọc” trên đường suốt hàng chục năm qua. Đồng thời, Dự án đầu tư xây dựng cầu Cư Păm được khởi công vào tháng 2-2020 cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện và chủ đầu tư cho biết sẽ hoàn thành sớm hơn so với dự kiến.
Các phương tiện lưu thông thuận tiện trên tuyến Tỉnh lộ 9, đoạn Km 21+100 - Km 27+00. |
Ông Bùi Văn Khôi (thôn 3, xã Khuê Ngọc Điền) chia sẻ, nói về khó khăn do đường giao thông nơi đây thì người dân không thể kể hết. Đường hư hỏng kéo dài hàng chục năm nay mới được sửa chữa nên ông không thể giấu được sự phấn khởi trong lòng. Hơn nữa, việc xây dựng cầu Cư Păm được người dân hết sức mong chờ. Nay cầu sắp được hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ là niềm vui rất lớn của người dân trong huyện.
Để hoàn thiện toàn bộ hai tuyến Tỉnh lộ 9 và Tỉnh lộ 12, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh đã trình HĐND tỉnh Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 9, đoạn Km 0+00 - Km 20+300 và Dự án cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 12, đoạn Km 15+500 - Km 45+700 để thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2024. |
Khả Lê
Ý kiến bạn đọc