Multimedia Đọc Báo in

Nỗi buồn... hồ tiêu

06:56, 05/03/2021

Những ngày này, nông dân huyện Cư M’gar bước vào vụ thu hoạch hồ tiêu năm 2021. Mặc dù giá hồ tiêu cao hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng nhiều người vẫn kém vui vì năng suất tiêu đạt thấp, giá thuê nhân công thu hái cao, dịch bệnh trên cây tiêu vẫn xảy ra... nên lợi nhuận không đáng kể.

Tháng 3 là thời điểm thu hoạch hồ tiêu của nông dân địa phương nhưng không khí lao động không tấp nập như những năm trước. Anh Trịnh Công Triều (thôn Tiến Thành, xã Quảng Tiến) buồn rầu: Những năm trước, thấy hồ tiêu có giá nên đã phá bỏ một phần diện tích cà phê già cỗi chuyển sang trồng tiêu. Sau mấy năm đầu được giá, giá hồ tiêu bắt đầu lao dốc. Với hơn 350 trụ tiêu, nay có đến hơn 1/3 trong số đó đã bị bệnh hại, chết dần khiến gia đình anh gặp nhiều khó khăn.

Nông dân xã Quảng Tiến thu hoạch hồ tiêu.
Nông dân xã Quảng Tiến thu hoạch hồ tiêu.

Tương tự, gia đình anh Y Thái Kbuôr (ở buôn Sút M'Đrưng, xã Cư Suê) có 800 trụ tiêu trồng xen trong vườn cà phê, trong đó hơn 300 trụ tiêu đang ở giai đoạn kinh doanh. Những năm gần đây do giá hồ tiêu giảm sâu, gia đình anh không còn mặn mà với việc chăm sóc nên năng suất không cao, nhiều cây bị chết, dự kiến sản lượng năm nay chỉ đạt trên 6 tạ. Mặc dù giá hồ tiêu hiện tại đang tăng trở lại, dao động ở mức 54.000 -  55.000 đồng/kg, cao hơn 10.000 đồng/kg với vụ tiêu trước, nhưng nếu thuê nhân công hái thì không đủ chi phí chi trả. Anh Y Thái nhẩm tính, cộng chi phí đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công hái thì vụ hồ tiêu năm nay gia đình anh sẽ không có lãi, thậm chí là lỗ vốn.

Ngoài sản lượng đạt thấp thì nhân công thu hái cũng đang là nỗi lo đối với người trồng tiêu khi bước vào vụ thu hoạch. Anh Hoàng Văn Chương (thị trấn Quảng Phú) cho biết, gia đình anh có 2 ha hồ tiêu. Những năm trước vào mùa thu hái, mỗi ngày gia đình anh thuê 5 - 7 nhân công từ các nơi đến thu hoạch. Năm nay, năng suất đạt thấp, nhân công khó tìm, tiền thuê nhân công lại cao nên anh chỉ dám thuê 2 - 3 lao động thu hái, còn lại huy động nhân công trong gia đình để giảm bớt chi phí. 

 
Thời gian qua, do giá hồ tiêu liên tục giảm, nông dân không còn mặn đầu tư, chăm sóc. Bên cạnh đó, ảnh hưởng thời tiết bất thường, kỹ thuật canh tác chưa bền vững dẫn đến nhiều vườn cây bị chết, sản lượng đạt thấp. Bệnh chết nhanh chết chậm trên cây hồ tiêu vẫn chưa được khống chế, với diện tích bị ảnh hưởng khoảng 20%, dự kiến sản lượng năm 2021 giảm gần 50% so với năm trước".
 
Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phạm Quang Mười

Toàn huyện Cư M’gar có 4.800 ha hồ tiêu, được trồng nhiều ở các xã Ea M’nang, Ea H’đing, Ea Kuếh, Quảng Tiến, thị trấn Quảng Phú… sản lượng bình quân đạt 5.000 - 6.000 tấn. Những năm trước đây hồ tiêu từng được xem là một trong những cây trồng chủ lực góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho nông dân địa phương, thậm chí nhiều người nhanh chóng trở thành tỷ phú nhờ cây hồ tiêu. Vụ thu hoạch hồ tiêu năm nay, giá nhân công thu hái với mức từ 200.000 - 220.000 đồng/người/ngày. Theo tính toán của người dân, nếu cây hồ tiêu cho năng suất đạt 2 tấn/ha sau khi trừ chi phí chăm sóc, thuê nhân công thu hoạch thì sẽ không có lãi. Không những vậy, khi bước vào thu hoạch rộ, việc thuê mướn nhân công thu hái tiêu rất khó khăn bởi nhiều lao động tại chỗ ở địa phương đã đi làm ở các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp.

Theo ông Phạm Quang Mười, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện, với mức giá hồ tiêu hiện tại, nếu người dân đầu tư đúng cách theo hướng bền vững, giảm chi phí đầu vào thì cây hồ tiêu vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao so với một số loại cây trồng khác. Để ứng phó với biến đổi khí hậu và biến động giá cả thị trường, hiện ngành nông nghiệp huyện đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con nông dân sắp xếp lại việc trồng xen hợp lý, chủ động chăm sóc, phòng trừ bệnh hại trên cây hồ tiêu, tránh tình trạng vườn cây bị dịch bệnh và lây lan dẫn đến chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn. Bên cạnh đó, địa phương cũng khuyến khích người dân liên kết sản xuất tiêu theo hướng hữu cơ nhằm từng bước nâng cao giá trị, thương hiệu sản phẩm, tăng tính cạnh tranh, tạo đầu ra ổn định cho mặt hàng nông sản này.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.