Multimedia Đọc Báo in

Nông dân buôn Phung mất trắng vì ruộng lúa lép hạt

06:15, 30/03/2021

Gần đến ngày thu hoạch nhưng nhiều hộ dân ở buôn Phung (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) buồn nẫu ruột vì lúa bị lép hạt. Nhiều ruộng lúa bị bỏ mặc cháy rụi hoặc cho bò... vô tư ăn.

Bên ruộng lúa chín vàng rất đẹp nhưng lại bị lép hạt, anh Y Tin Byă (ở buôn Phung) cho biết, nhà có 2 sào ruộng, xuống giống vào tháng 12-2020. Từ lúc gieo sạ đến khi làm đòng, cây lúa phát triển bình thường. Tuy nhiên, chỉ được thời gian ngắn, anh phát hiện nhiều diện tích lúa bị “nghẹn” không trổ được bông, đứng trơ như cột cờ. Những cây trổ bông được thì có hạt nhưng bị lép, thậm chí không có nhân gạo.

Anh Y Tin buồn rầu bên ruộng lúa bị lép hạt.
Anh Y Tin buồn rầu bên ruộng lúa bị lép hạt.

Vụ lúa này gần như mất trắng, anh Y Tin nẫu cả ruột gan. “Nhà tôi thuộc diện hộ nghèo, 5 miệng ăn phụ thuộc vào 2 sào ruộng và ít đất rẫy. Nay lúa bị lép hạt, thu hoạch cùng lắm chỉ được 4 bao lúa; hạt lép chỉ để xay xát cho heo, gà ăn. Để có tiền trang trải sinh hoạt, vợ tôi phải đi hái tiêu thuê ở tỉnh Đắk Nông. Đây là năm thứ hai gia đình tôi thất thu vụ lúa", anh Y Tin buồn bã nói. Vụ lúa năm 2020, ruộng nhà anh Y Tin héo khô vì hạn. Năm nay, anh chủ động xuống giống sớm để tránh hạn thì cây lúa lại bị lép hạt.

 
"Vụ đông xuân 2020 - 2021, người dân buôn Phung xuống giống hơn 20 ha lúa nhưng có tới 18 ha bị thiệt hại do lép hạt. Nguyên nhân chính là do trời lạnh kéo dài, cây lúa bị nghẹn không trổ bông được. Lúa mất mùa ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân ở đây. UBND xã đã cho thống kê diện tích lúa bị thiệt hại, tìm hướng hỗ trợ người dân vượt qua giai đoạn khó khăn".
 
Chủ tịch UBND  xã Cư Pui Nguyễn Minh Nghiệp

Cạnh ruộng nhà anh Y Tin Byă là 1,5 sào lúa của bà H’Juh Niê đang là nguồn thức ăn cho đàn bò. Bà H’ Juh cho hay, từ khi gieo cấy tới lúc cây lúa lên đòng, trổ bông... không có biểu hiện gì bất thường, nhiều bông lúa còn dài và đều tăm tắp. Cứ tưởng vụ này được mùa, ai ngờ, tới giai đoạn thành hạt, bông lúa cứ lép kẹp. Bà H’Juh tức tốc phun thêm dưỡng chất cho lúa chắc hạt nhưng không hiệu quả. Trời nắng gắt, hồ chứa nước lại khô cạn nên bà đành bỏ ruộng lúa. “Chi phí giống, phân bón, công gieo và chăm sóc hết hơn 2 triệu đồng, nay cho bò ăn, tôi tiếc lắm nhưng không còn cách nào khác. Tôi cũng muốn chuyển sang trồng cây khác nhưng đất này chỉ hợp với cây lúa. Tuy vậy, nguồn nước tưới phụ thuộc vào đập nhỏ, không ổn định nên năm nào xuống giống, tôi cũng canh cánh nỗi lo mất mùa”, bà H’ Juh cho hay.

Được biết, nguồn nước tưới cho cánh đồng buôn Phung phụ thuộc vào đập Ea Pren. Song đập này nhỏ nên vào mùa nắng hay bị trơ đáy khiến nhiều diện tích lúa bị khô héo theo. Năm 2020 vừa qua, nhiều ruộng lúa ở buôn Phung bị chết cháy.

Nhiều thửa lúa ở buôn Phung thành thức ăn cho bò.
Nhiều thửa lúa ở buôn Phung thành thức ăn cho bò.

Để khắc phục tình trạng trên, năm nay UBND xã và người dân đã chủ động đẩy lịch gieo sạ sớm hơn 1 tháng. Đây là cánh đồng xuống giống lúa sớm nhất trong xã Cư Pui, nhưng khi cây lúa làm đòng, trổ bông gặp đúng lúc mưa lạnh nên không thụ phấn, kết hạt được, dẫn đến mất mùa.

Thanh Thủy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.