Multimedia Đọc Báo in

Tái phát dịch tả heo châu Phi ở huyện Cư M'gar

06:15, 30/03/2021

Mặc dù đã tích cực triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, tuy nhiên trên địa bàn huyện Cư M’gar hiện đang có dấu hiệu bùng phát trở lại dịch tả heo châu Phi khiến người chăn nuôi lo lắng.

Mới đây, đàn heo 16 con của gia đình bà Trần Thị Hoa (ở thôn 1, xã Cư Suê) đột nhiên bị mắc bệnh và chết hàng loạt. Sau khi xác định mắc dịch tả heo châu Phi, đàn heo buộc phải tiêu hủy và tiến hành tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi theo quy định… Nhìn khu chuồng nuôi đang bỏ không của gia đình, bà Hoa buồn rầu: “Khi heo mẹ bị chết, tôi nghĩ chỉ bị mắc bệnh thông thường nên gọi cán bộ thú ý đến để tiêm thuốc nhưng không có tác dụng, ngày chết 2 con, ngày chết 3 con… Đến khi Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện về lấy mẫu xét nghiệm thì mới biết heo bị mắc dịch tả heo châu Phi; cả đàn heo gồm 1 heo mẹ và 15 heo thịt với tổng trọng lượng 610 kg buộc phải tiêu hủy toàn bộ”.

Số heo chết do dịch tả heo châu Phi của gia đình anh Trịnh Quốc Hoan được chôn lấp và khử khuẩn bằng vôi bột.
Số heo chết do dịch tả heo châu Phi của gia đình anh Trịnh Quốc Hoan được chôn lấp và khử khuẩn bằng vôi bột.

Do mua con giống không rõ nguồn gốc, chỉ sau một thời gian ngắn tái đàn, đàn heo 10 con của gia đình anh Trịnh Quốc Hoan (ở thôn 8, xã Ea Kiết) đã bị mắc dịch tả heo châu Phi và buộc phải tiêu hủy với trọng lượng 340 kg, gây thiệt hại cho gia đình gần 30 triệu đồng...

 
Trước những diễn biến về tình hình bệnh dịch tả heo châu Phi như hiện nay, các hộ chăn nuôi không nên tái đàn ồ ạt. Nếu tái đàn thì cẩn trọng khi mua con giống, thực hiện khử trùng chuồng trại thật kỹ, ít nhất phải là 60 ngày và nên nuôi chỉ báo, chừng 10% tổng đàn cũ, khi cảm thấy an toàn thì mới mở rộng quy mô".
 
Ông Nguyễn Quang Đức, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Cư M’gar

Theo thông tin từ Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Cư M’gar, dịch tả heo châu Phi bắt đầu tái phát trên địa bàn huyện từ ngày 27-1 và chủ yếu xuất hiện ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, với quy mô và số lượng lợn nuôi không lớn. Tính đến nay, dịch bệnh đã xảy ra tại 4 hộ chăn nuôi ở 4 thôn thuộc các xã Ea Kpam, Cư Suê và Ea Kiết, buộc phải tiêu hủy 159 con heo với tổng trọng lượng hơn 5.690 kg. Nguyên nhân khiến dịch tả heo châu Phi tái phát là do một số hộ chăn nuôi đang đẩy mạnh tái đàn, mua giống heo không rõ nguồn gốc, xuất xứ (có khoảng 90% trường hợp heo bệnh liên quan đến việc mua, bán trao đổi heo); một số hộ còn chủ quan trong phòng, chống dịch... Điều đáng nói, sau khi phát hiện heo mắc bệnh, các hộ đã gắng gượng chữa trị nhưng bất thành, chỉ đến khi heo chết mới tiến hành khai báo, điều này vô hình trung giúp mầm bệnh có thêm thời gian tồn lưu, từ đó phát tán rộng rãi…

Trước tình hình tái phát dịch bệnh trên địa bàn, UBND huyện Cư M’gar đã chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương xảy ra dịch tả heo châu Phi tổ chức khoanh vùng ổ dịch, huy động lực lượng, phương tiện tiêu hủy toàn bộ số heo chết; hướng dẫn các hộ nuôi tiêu độc sát trùng toàn bộ chuồng; cấp hóa chất cho các địa phương tiêu độc tại ổ dịch tránh lây lan ra diện rộng. Đồng thời tuyên truyền, vận động người dân chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; làm tốt công tác tiêm phòng cho đàn heo, tiêu độc khử trùng chuồng trại; khi có heo ốm, chết phải báo cho chính quyền tổ chức tiêu hủy, không mua bán, vận chuyển; không giết mổ tiêu thụ heo bệnh, không vứt xác heo chết ra môi trường tự nhiên…

Lãnh đạo Cục Thú y, Chi cục Thú y tỉnh và huyện kiểm tra ổ dịch tại xã Ea Kiết.
Lãnh đạo Cục Thú y, Chi cục Thú y tỉnh và huyện kiểm tra ổ dịch tại xã Ea Kiết.

Ông Nguyễn Quang Đức, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Cư M’gar nhấn mạnh: “Dịch tả heo châu Phi hiện vẫn chưa có vắc xin tiêm phòng và thuốc điều trị đặc hiệu. Do vậy, ngành thú y huyện, các địa phương, hộ chăn nuôi trên địa bàn cần tập trung phòng bệnh là chủ yếu; tăng cường giám sát dịch bệnh tại cơ sở để sớm phát hiện và xử lý ổ dịch kịp thời. Cùng với đó, người chăn nuôi phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại bằng vôi bột, phun tiêu độc khử trùng; thận trọng trong việc tái đàn, nhất là lựa chọn con giống phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng nhằm đảm bảo tái đàn an toàn”.

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.