Multimedia Đọc Báo in

Chàng trai trẻ và thương hiệu trà mãng cầu Green Food

10:23, 28/04/2021

Sau nhiều năm học tập, làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Tấn Linh (SN 1991) quyết định trở về thôn Ea Tút (xã Pơng Drang, huyện Krông Búk) xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh trà mãng cầu thương hiệu Green Food và một số trái cây sấy nhằm phát huy tiềm năng về cây ăn trái ở địa phương.

Anh Linh chia sẻ: Trong chuyến công tác ở các tỉnh miền Tây, anh đã bị lôi cuốn bởi hương vị thơm ngon của trà mãng cầu. Qua tìm hiểu, anh biết việc thường xuyên sử dụng trà mãng cầu có thể tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ phòng và trị nhiều căn bệnh nguy hiểm. Tại Đắk Lắk, diện tích, sản lượng cây ăn trái đang được bà con nông dân phát triển mạnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng nhà máy chế biến, bảo quản nông sản rất ít, đặc biệt là đối với rau củ, trái cây nên anh quyết tâm khởi nghiệp với sản phẩm trà mãng cầu từ nguồn nguyên liệu dồi dào tại địa phương.

Anh Nguyễn Tấn Linh (bên trái) giới thiệu trà mãng cầu.
Anh Nguyễn Tấn Linh xã Pơng Drang (huyện Krông Búk) đóng gói sản phẩm trà mãng cầu.
“Cơ sở sản xuất của tôi sẽ tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm tiếp cận các chương trình hỗ trợ để mở rộng thị trường tiêu thụ và trở thành sản phẩm chủ lực của địa phương”. 
Anh Nguyễn Tấn Linh, ở xã Pơng Drang (huyện Krông Búk).

Năm 2020, vợ chồng anh Linh về quê đầu tư 200 triệu đồng xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc, trang thiết bị chế biến trà mãng cầu theo quy trình khép kín một chiều, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Bao bì đóng gói cũng được anh quan tâm chăm chút, để trà mãng cầu không chứa chất bảo quản, phụ gia mà vẫn giữ nguyên hương vị và an toàn khi sử dụng. Tuy nhiên, việc khởi nghiệp không hề dễ dàng mà cho đến tận bây giờ anh Linh không nhớ rõ mình đã bị hỏng bao nhiêu mẻ trà mãng cầu mới tìm ra công thức riêng. “Không ai dạy tôi phải làm gì, bắt đầu từ đâu, tôi phải tự nghiên cứu hái trái mãng cầu xiêm vào thời điểm nào, cách lựa chọn trái mãng cầu đạt tiêu chuẩn, sấy trong thời gian bao lâu, nhiệt độ bao nhiêu để sản phẩm có hương vị đậm đà, màu sắc bắt mắt. Sau hàng trăm lần thất bại tôi mới có được một mẻ trà thành công”, anh Linh trò chuyện.

Theo anh Linh, điểm khác biệt để tạo nên thương hiệu trà mãng cầu Green Food nằm ở bí quyết chọn nguyên liệu và quy trình sản xuất. Để có đủ nguồn nguyên liệu sạch, anh đã liên kết với các hộ trồng mãng cầu ở địa phương, nhận bao tiêu sản phẩm và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng. Nhờ tuyển chọn kỹ lưỡng nguồn nguyên liệu nên hương vị trà Green Food của anh Linh không trùng lặp với các loại trà mãng cầu trên thị trường. Trung bình cứ 10 kg mãng cầu tươi sau khi chế biến sẽ được 1kg trà mãng cầu khô. Mỗi tháng cơ sở của anh Linh sản xuất khoảng 300 kg trà mãng cầu. Với giá bán 680.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư, thuê nhân công chế biến, anh Linh còn lãi khoảng 25 – 30 triệu đồng.

Anh Nguyễn Tấn Linh (bên trái) giới thiệu trà mãng cầu.
Anh Nguyễn Tấn Linh (bên trái) giới thiệu trà mãng cầu.

Sản phẩm trà mãng cầu Green Food do anh Linh sản xuất được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Hiện nay, anh Linh đã có nhiều đại lý phân phối sản phẩm tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ngãi và Đồng Nai. Sau khi nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khách hàng và sự ủng hộ của người thân trong gia đình, anh Linh tiếp tục nghiên cứu, phát triển một số loại trái cây sấy như: chuối sấy dẻo, bột gừng tươi... Bằng quyết tâm, nhiệt huyết của tuổi trẻ, anh Linh không chỉ giải quyết đầu ra ổn định cho trái cây tươi, ổn định giá cả mà còn góp phần đưa sản phẩm trái cây của địa phương đến với mọi người theo cách riêng của mình.

Như Quỳnh

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.