Huyện M'Drắk: Nhân rộng mô hình tưới tiết kiệm ứng phó với khô hạn
Trên cơ sở hiệu quả của các mô hình tưới nước tiết kiệm được hỗ trợ triển khai từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nông dân trên địa bàn huyện M’Drắk đã tìm hiểu, ứng dụng các mô hình trên trong sản xuất nông nghiệp nhằm ứng phó với khô hạn.
Do điều kiện đất đai khô cằn, nguồn nước hạn chế nên nhiều năm liền gia đình bà Trần Thị Nụ ở thôn 4 (xã Ea Pil) chỉ tập trung trồng 8 ha mía. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng của địa phương, năm 2017 gia đình bà đã phá bớt 5 sào mía, cải tạo đất và thử nghiệm trồng 600 cây nhãn Hương chi. Năm 2019, gia đình bà được hỗ trợ hệ thống tưới nhỏ giọt trị giá 13 triệu đồng.
Bà Nụ cho hay, trước đây chưa có hệ thống tưới nước tiết kiệm, việc chăm sóc, tưới nước cho 5 sào nhãn mất nhiều thời gian, công lao động và nguồn nước cũng tiêu hao nhiều hơn. Từ khi được hỗ trợ lắp đặt hệ thống này, chỉ cần bật béc tưới khoảng hơn 1 giờ là xong. Hơn nữa, việc chăm sóc cây trồng cũng hiệu quả hơn bằng cách hòa phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vào nước theo đường ống dẫn đến từng gốc cây. Nhận thấy cây ăn quả phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, gia đình bà đã trồng thêm 2 ha vải, dừa, bưởi và tự đầu tư kinh phí lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm toàn bộ diện tích.
Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện M'Drắk kiểm tra mô hình tưới nước tiết kiệm của gia đình bà Trần Thị Nụ (thôn 4, xã Ea Pil). |
“Ngành nông nghiệp huyện đang tập trung tuyên truyền, khuyến khích nông dân chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả và ứng dụng mô hình tưới tiết kiệm trong sản xuất, góp phần tăng giá trị sản xuất ngành trồng trọt trong cơ cấu nông nghiệp của huyện”.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện M’Drắk Nguyễn Thế Thập
|
Điều đáng nói, từ hiệu quả của các mô hình tưới nước tiết kiệm được hỗ trợ, nông dân trên địa bàn huyện đã học hỏi, chủ động đầu tư nhân rộng mô hình. Chẳng hạn như gia đình ông Võ Ngọc Kiên ở thôn 4 (xã Ea Pil). Nhận thấy hiệu quả kinh tế của cây ăn quả, vợ chồng ông cũng quyết định phá bỏ 4 ha mía để trồng thử nghiệm 500 cây nhãn Hương chi. Sau 3 năm, cây nhãn cho thu hoạch, lợi nhuận cao hơn gấp 5 - 6 lần trồng mía nên gia đình ông mạnh dạn nhân rộng lên 2.500 cây và trồng thêm 300 cây vải, 200 cây bưởi da xanh. Để chủ động nguồn nước tưới cho cây trồng, gia đình ông đào 3 ao trữ nước hết 60 triệu đồng. Sau khi học hỏi các mô hình tưới nước tiết kiệm, ông Kiên vay mượn thêm 30 triệu đồng lắp đặt hệ thống này. Ông Kiên cho biết: Trồng cây ăn quả ngoài giống, kỹ thuật thì nguồn nước rất quan trọng trong quá trình chăm sóc, hãm ra hoa theo ý muốn. Việc ứng dụng mô hình tưới tiết kiệm không chỉ tiết kiệm được lượng nước tưới mà còn giảm được từ 20 – 30% lượng phân bón, giảm chi phí đầu tư, công lao động, tăng lợi nhuận cho nông dân. Năm nay, dự tính gia đình sẽ thu được khoảng 300 triệu đồng từ vườn cây ăn quả.
Triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chủ trương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi của huyện, từ đầu năm 2019, huyện M’Drắk đã hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm cho hơn 50 hộ dân trên bàn huyện. Theo Chủ tịch UBND xã Ea Pil Vũ Văn Lương, toàn xã có trên 6.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, trước đây chủ yếu trồng mía và các loại cây hoa màu. Để giúp người dân chuyển đổi cây trồng hiệu quả, hình thành vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, huyện đã hỗ trợ giống cây ăn quả và đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm cho các hộ trên địa bàn. Nhờ vậy, người dân đã phát triển mạnh các loại cây ăn quả như: vải, nhãn, bưởi, ổi... Đến nay, phần lớn diện tích trồng cây ăn quả trên địa bàn đã được ứng dụng mô hình tưới tiết kiệm, giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận cho nông dân. Trung bình mỗi héc-ta cây ăn quả thu được từ 400 - 500 triệu đồng.
Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện M'Drắk và UBND xã Ea Pil tìm hiểu mô hình trồng cây ăn trái của gia đình ông Võ Ngọc Kiên (thôn 4, xã Ea Pil). |
Ông Nguyễn Thế Thập, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện M’Drắk cho biết: Trước diễn biến bất thường của thời tiết, nhiều năm xảy ra tình trạng nắng hạn kéo dài, thiếu nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Vì vậy để ứng phó với biến đổi khí hậu, từ đầu năm 2019, huyện đã hỗ trợ lắp đặt mô hình tưới nước tiết kiệm cho các hộ thuộc các xã phát triển mạnh cây ăn quả như: Ea Pil, Ea Lai, Cư Prao, Cư M'ta với tổng diện tích khoảng 50 ha. Hiệu quả của mô hình được nhân rộng khi các hộ nông dân đã tự học hỏi, đầu tư ứng dụng hệ thống tưới này, góp phần tiết kiệm khoảng 40% lượng nước tưới so với cách truyền thống, giảm nhân công và nỗi lo thiếu nước trong những tháng mùa khô.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc