Mùa vải ngọt ở Ea Dăh
Xã Ea Dăh (huyện Krông Năng) có diện tích trồng vải chuyên canh trên 30 ha, gồm các giống vải U Hồng, U Trứng, Thanh Hà.
Năm nay, thời tiết tương đối thuận lợi, cây vải phát triển tốt, tỷ lệ ra hoa và đậu quả cao, đặc biệt nhiều hộ trồng vải đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật sản xuất theo quy trình VietGAP nên năng suất, chất lượng khả quan.
Gia đình anh Phạm Hồng Thao (ở thôn Giang Thành) có 2 ha trồng vải theo quy trình VietGAP. Vụ này quả vải đậu đều, tỷ lệ quả có hiện tượng bị đục cuống rất thấp. Anh Thao chia sẻ: “Áp dụng quy trình trồng và chăm sóc cây vải theo tiêu chuẩn VietGAP, tôi tuân thủ nghiêm ngặt thời gian, thời lượng và giám sát chặt chẽ việc sử dụng dưỡng chất cho cây, quy trình tỉa cành, tỉa quả…, chính vì vậy sản phẩm đến tay người tiêu dùng luôn bảo đảm chất lượng”. Vụ vải này, gia đình anh Thao dự kiến thu khoảng 17 tấn quả. Với giá thương lái thu mua 35.000 - 40.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu về hơn 400 triệu đồng; hiệu quả kinh tế cao hơn một số cây trồng khác trên địa bàn.
Anh Phạm Hồng Thao (thôn Giang Thành, xã Ea Dăh) chăm sóc vườn vải của gia đình. |
“Nhiều vườn vải ở đây bắt đầu chín bói, đến tháng 5 sẽ thu hoạch chính vụ, thời gian thu hoạch kéo dài từ 2 - 3 tuần. Với giá thương lái thu mua 35.000 - 40.000 đồng/kg, nhiều hộ trồng vải phấn khởi, vui mừng vì được giá”.
ông Lương Văn Viễn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Dăh
|
Cũng trồng 4 ha vải vừa để bán quả, vừa chiết cành bán cây giống, vụ này ông Phạm Trung (ở thôn Xuân Hà 1) rất phấn khởi bởi cây nào cây nấy đều trĩu quả. Năm 2018, thấy nhiều hộ trong xã trồng vải có hiệu quả kinh tế, gia đình ông đã chuyển diện tích cà phê già cỗi sang trồng giống vải U Hồng. Trong khoảng 3 năm đầu tiên chi phí đầu tư và công chăm sóc khá lớn nhưng sau khi cây cho thu hoạch chi phí giảm dần và tuổi thọ cây kéo dài 20 - 30 năm nên thu nhập khá ổn định…
Theo ông Trung, để cây vải phát triển tốt, quả mọng nước, vị ngọt đòi hỏi người trồng phải chú trọng kỹ thuật chăm sóc từ khâu vun gốc, tỉa cành, bón phân, tưới nước đúng thời điểm, liều lượng. Năm 2020, vườn vải nhà ông cho thu bói trên 17 tấn quả, được thương lái đến tận vườn thu mua. Vụ vải năm nay, với thời tiết thuận lợi như hiện tại, ông Trung tính toán sẽ thu khoảng 30 tấn quả.
Cán bộ Hội nông dân xã Ea Dăh tham quan vườn vải của anh Phạm Hồng Thao (bìa trái). |
Ông Lương Văn Viễn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Dăh cho biết, những năm gần đây, cây vải được nhiều hộ nông dân trong xã lựa chọn để chuyển đổi cây trồng trên vùng đất xấu, hoặc vườn cà phê, tiêu năng suất thấp, già cỗi. Bước đầu loại cây này đang cho hiệu quả kinh tế cao, từng bước nâng cao đời sống người dân. Cây vải nếu chăm sóc tốt, sau 3 năm trồng sẽ cho thu trái ổn định. Trái vải ở đây có màu đỏ tươi đẹp mắt, cùi mọng, hương thơm, vị ngọt xen lẫn chua nhẹ, chất lượng không thua kém vải ở miền Bắc.
Tuy nhiên, để cây vải mang lại hiệu quả kinh tế bền vững, người trồng cần chú trọng chọn cây giống, thời vụ và mật độ trồng hợp lý; tuân thủ quy trình kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ bệnh cho cây vải. Hiện nay, xã Ea Dăh đang chọn vải thiều là cây trồng chủ lực của địa phương. Do đó thời gian tới, địa phương khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, canh tác theo hướng hữu cơ, đồng thời thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm giữa hộ dân, hợp tác xã với các doanh nghiệp để đưa quả vải đến các thị trường mới, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Thùy Linh
Ý kiến bạn đọc