Multimedia Đọc Báo in

"Sức sống mới" của cây thuốc lá trên đất Krông Bông

10:21, 28/04/2021

Sau một thời gian dài cây thuốc lá ở huyện Krông Bông bị người dân quay lưng do đầu ra bấp bênh thì nay đã tìm lại sức sống mới trên những mảnh đất khô cằn nơi đây.

Nông dân huyện Krông Bông bước vào vụ thu hoạch thuốc lá, khác với tâm trạng lo lắng về giá sau mỗi đợt thu hoạch như trước đây thì bây giờ bà con nông dân đã an tâm với giá thu mua được phía công ty ký kết trong hợp đồng ngay từ đầu vụ.

Anh Nguyễn Đức Lợi (thôn 5, xã Hòa Tân) chia sẻ, nhà anh có 1,7 ha trồng cây thuốc lá, năm nay năng suất đạt từ 3,5 – 4 tạ khô/sào. Yên tâm nhất là trong 2 năm liên kết với Công ty TNHH Đầu tư sản xuất Phúc Thịnh, sản phẩm được thu mua với giá cao, ổn định. Mặc dù khi liên kết trồng thuốc lá bền vững nông dân phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật sản xuất sạch cũng như bảo vệ môi trường và sức khỏe người lao động nhưng nông dân đều rất vui vì không chỉ sản phẩm làm ra được thu mua với giá tốt, được hỗ trợ kinh phí sản xuất từ đầu vụ mà các yếu tố về ích lợi xã hội được phía công ty quan tâm.

Thu mua thuốc lá ở Công ty TNHH Đầu tư sản xuất Phúc Thịnh.
Thu mua thuốc lá ở Công ty TNHH Đầu tư sản xuất Phúc Thịnh.
“Do chất lượng thuốc lá tốt, cùng với trình độ sản xuất của nông dân cao đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật sản xuất nên trong niên vụ 2021 - 2022 chỉ tiêu của đơn vị liên doanh đưa ra cho công ty lên đến 900 tấn, tương đương với 300 ha, tăng 50 ha so với niên vụ trước”.
Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư sản xuất Phúc Thịnh Vũ Đức Thuận

Tương tự, tại xã Khuê Ngọc Điền, người trồng cây thuốc lá cũng phấn khởi vì được mùa, được giá. Năm nay, toàn xã gieo trồng 19 ha cây thuốc lá, sản lượng thu hoạch ước đạt gần 70 tấn tấn khô. Được biết, trước đây do việc bao tiêu đầu ra chưa ổn định, bà con chưa chú trọng chăm sóc khiến cây thuốc lá giảm năng suất và chất lượng nên hiệu quả kinh tế không cao, vì vậy đa số các hộ chuyển sang trồng cây khác. Bắt đầu từ niên vụ 2017 - 2018, với việc hỗ trợ đầu vào và bao tiêu sản phẩm ổn định của công ty liên kết, người dân đã bắt đầu trồng lại. Với giá thu mua loại cao nhất là 58.000 đồng/kg lá thuốc sấy khô; loại thấp là 50.000 đồng/kg, người trồng thuốc lá ở xã Khuê Ngọc Điền có thể thu lợi khoảng 80 triệu đồng/ha. Đây là tín hiệu vui đối với người trồng thuốc lá ở Khuê Ngọc Điền nói riêng và toàn huyện Krông Bông nói chung, giúp nhiều hộ thoát nghèo.

Theo Công ty TNHH Đầu tư sản xuất Phúc Thịnh - đơn vị trực tiếp bao tiêu sản phẩm thuốc lá cho người dân, vụ đông xuân 2020 - 2021, công ty đã liên kết với gần 200 hộ để trồng thuốc lá, với diện tích 250 ha, năng suất bình quân đạt 3,5 tạ khô/sào. So với vụ trước thì năng suất tăng từ 0,2 - 0,3 tạ/sào, chủ yếu là do nông dân đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng và áp dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt nên vườn cây được chăm sóc tốt, sản lượng và chất lượng đều tăng cao. Ông Vũ Đức Thuận, Giám đốc Công ty cho biết, những năm gần đây, cây thuốc lá phát triển rất tốt ở huyện Krông Bông. Để người dân có được đầu ra ổn định, đơn vị đã liên doanh với Công ty TNHH BAT và Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) trực tiếp hướng dẫn bà con từ khâu gieo trồng đến khâu tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, các vật tư, nguyên liệu như giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón… công ty đều hỗ trợ cho người dân khi vào mùa vụ.

Nông dân huyện Krông Bông đang xâu cây thuốc lá để mang đi sấy khô.
Nông dân huyện Krông Bông đang xâu cây thuốc lá để mang đi sấy khô.

Vụ đông xuân 2020 - 2021, huyện Krông Bông trồng 250 ha thuốc lá, tăng 70 ha so với niên vụ trước. Giá thu mua sản phẩm của công ty liên kết bảo đảm thực hiện đúng theo cam kết trong hợp đồng nên người dân yên tâm thu hoạch. Về lâu dài, để xây dựng được vùng nguyên liệu cây thuốc lá ổn định trên địa bàn huyện, ngành nông nghiệp địa phương tiếp tục kết nối doanh nghiệp liên kết với các nông hộ để hỗ trợ sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, hướng dẫn người dân tuân thủ chặt chẽ kế hoạch phát triển để không bị phá vỡ vùng nguyên liệu, gây khó khăn cho đầu ra cũng như giảm chất lượng sản phẩm.

Minh Thuận

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.