Multimedia Đọc Báo in

Cần tăng cường tập huấn chương trình IPM cho nông dân

11:18, 28/05/2021

Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) được triển khai tại Việt Nam từ năm 1992 với sự hỗ trợ của Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) trong việc đào tạo giảng viên nguồn (TOT - Training of Trainers) về IPM.

Trong những năm qua, chương trình đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ và nông dân về quản lý dịch hại tổng hợp; các giảng viên TOT đã tổ chức huấn luyện nông dân thông qua các lớp học thực tế đồng ruộng FFS (Farmer Field School) ở nhiều địa phương, trên một số cây trồng (cà phê, lúa, rau), qua đó góp phần cơ bản nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nhiều loại nông sản.

Tuy nhiên, những năm gần đây, việc đào tạo và áp dụng chương trình IPM trên một số cây trồng nói chung có xu hướng chững lại.

Thực tế cho thấy, tại Đắk Lắk, lực lượng giảng viên nguồn về IPM trên cây chủ lực còn rất ít, thậm chí chưa có giảng viên nguồn về chương trình IPM trên cây ăn quả. Những người được đào tạo IPM trên cây lúa từ những năm 1990 giờ chủ yếu làm công tác quản lý, ít người còn trực tiếp giảng dạy, hoặc chuyển sang lĩnh vực khác, hoặc đã nghỉ hưu.

Mặt khác, chương trình IPM trước đây chỉ đào tạo trong lĩnh vực bảo vệ thực vật, chưa đào tạo cho lực lượng khuyến nông. Năm 2020, Bộ NN-PTNT giao Cục Bảo vệ thực vật triển khai 2 lớp (30 người/lớp) tập huấn giảng viên quốc gia (TOT) về IPM song cũng chỉ đào tạo đội ngũ giảng viên trên cây lúa, thời gian học kéo dài trong một vụ lúa. Số lượng đội ngũ giảng viên TOT này vẫn quá ít so với nhu cầu của các địa phương về giảng viên phục vụ sản xuất lúa, chưa kể đến các loại cây trồng khác.

Nông dân sản xuất lúa tại xã Hòa Xuân (TP. Buôn Ma Thuột).
Nông dân sản xuất lúa tại xã Hòa Xuân (TP. Buôn Ma Thuột).

Được biết, về chương trình IPM, hầu hết cán bộ khuyến nông đều phải tự tìm kiếm tài liệu nghiên cứu, chưa được đào tạo cơ bản, đầy đủ để có thể truyền đạt chuyển giao cho nông dân về IPM trên các loại cây trồng chủ lực của địa phương. Thậm chí một số cán bộ kỹ thuật trẻ trong lĩnh vực bảo vệ thực vật cũng chưa được đào tạo kế tục về chương trình này nên cũng chưa hiểu bản chất của IPM. Nhiều nông dân cũng không biết IPM là gì.

Như chị H’Mit Hmok sản xuất 1,2 ha cà phê, cũng làm Trưởng buôn H’Rát (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) suốt 16 năm, tham gia nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc cà phê song vẫn không hiểu IPM là gì. Nông dân trồng lúa thì biết về chương trình IPM nhiều hơn, bởi được tập huấn về chương trình IPM nhiều hơn; tuy nhiên, khi được hỏi về 4 nguyên tắc cơ bản nhất của chương trình IPM thì cũng không ai nhớ.

Thực tế này cũng đã được Bộ NN-PTNT đánh giá: Mặc dù chương trình IPM đã đạt những kết quả khả quan, được nhiều địa phương đánh giá cao nhưng đến nay việc áp dụng chương trình IPM vào sản xuất vẫn còn những khó khăn như chưa phổ cập được trên diện rộng như mong đợi (theo Chỉ thị số 8141/CT-BNN-BVTV, ngày 24-11-2020 về việc tiếp tục triển khai Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên các cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao và có tiềm năng xuất khẩu).

Việc chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất các loại cây trồng nói chung đều dựa trên nguyên tắc IPM nhưng quan trọng hơn là nông dân cần hiểu bản chất của các nguyên tắc này từ đâu? Phải dựa vào quá trình đấu tranh sinh học của sinh vật trong tự nhiên để tác động một cách hợp lý nhất thì việc áp dụng mới chủ động và bền vững. Đồng nghĩa với việc nông dân phải hiểu biết mối quan hệ tương hỗ giữa cây trồng, sâu bệnh hại, thiên địch và môi trường trong hệ sinh thái ruộng vườn của mình.

Hiện nay, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diễn biến dịch hại trên các loại cây trồng có thể ngày càng phức tạp, việc sản xuất các loại cây trồng chủ lực phải đáp ứng yêu cầu sản phẩm an toàn để phục vụ người tiêu dùng và xuất khẩu, vì vậy nông dân phải là chuyên gia trên ruộng vườn của mình, được tham gia các lớp tập huấn thực tế chương trình IPM. Để làm được như vậy, cần phải xây dựng lực lượng giảng viên nguồn TOT chất lượng mới có thể tập huấn tốt cho nông dân về áp dụng IPM trên cây trồng. Nên chăng cơ quan trồng trọt bảo vệ thực vật cần phối hợp với khuyến nông địa phương để tạo nguồn lực giảng viên TOT đủ mạnh, tổ chức triển khai các lớp học thực tế đồng ruộng FFS về IPM cho các loại cây trồng chủ lực của tỉnh.

IPM không phải là một quy trình mà các nhà kỹ thuật chỉ cần khuyến cáo cho nông dân thực hiện là xong, vấn đề là phải chuyển giao cho nông dân các kỹ năng, phương pháp để giải quyết khó khăn, tự đưa ra những quyết định đúng đắn cho ruộng vườn của mình.

Cẩm Lai


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.