Multimedia Đọc Báo in

Thu nhập cao nhờ chuyển đổi cây trồng phù hợp

08:23, 28/05/2021

Áp dụng khoa học kỹ thuật, mạnh dạn đưa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất đã giúp nhiều nông dân xã Cư M’gar (huyện Cư M’gar) cải thiện thu nhập, từng bước thoát nghèo hiệu quả.

Nhận thấy, cây măng tây là loại thực phẩm được nhiều người ưa chuộng, đầu ra thuận lợi và năng suất ổn định, năm 2018 gia đình bà Hà Thị Hinh (thôn 5) trồng thử nghiệm 300 cây măng tây trên 100 m2 đất.

Nhờ bà tích cực học hỏi kinh nghiệm sản xuất, áp dụng đúng kỹ thuật chăm sóc, chỉ sau 6 tháng xuống giống, diện tích măng tây đã bắt đầu cho thu hoạch. Trung bình mỗi ngày bà Hinh thu hoạch được 3 kg măng và bán với giá 70.000 đồng/kg, tạo nguồn thu thường xuyên cho gia đình. Từ thành công ban đầu, năm 2020 gia đình bà tiếp tục chuyển đổi 1 sào đất trồng điều năng suất thấp sang trồng 3.000 cây măng tây tím và đầu tư hệ thống tưới phun sương để thuận lợi cho quá trình sản xuất.

Cán bộ Hội Nông dân xã Cư M'gar (bên trái) tham quan mô hình trồng măng tây  của gia đình bà Hà Thị Hinh (thôn 5)
Cán bộ Hội Nông dân xã Cư M'gar (bên trái) tham quan mô hình trồng măng tây của gia đình bà Hà Thị Hinh (thôn 5).

Theo bà Hinh, trồng măng tây đầu tư ít vốn, lại dễ chăm sóc, cho thu hoạch liên tục từ tháng 11 đến tháng 6 (âm lịch) năm sau. Loại cây này trồng một lần cho thu hoạch khoảng 7 - 8 năm liền, năng suất năm sau cao hơn năm trước, tùy thuộc vào việc chăm sóc của người trồng. Cứ ba tháng, gia đình vun gốc một lần và cắt bỏ những cây già, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học. Gia đình bà chủ yếu tự ủ phân vi sinh, phân hữu cơ để bón cho cây và luôn đảm bảo đủ độ ẩm cho đất giúp măng phát triển nhanh. Với hơn 1 sào đất trồng măng tây, hiện gia đình bà có nguồn thu ổn định gần 20 triệu đồng/tháng.

Mô hình trồng quýt đường của gia đình ông Nông Văn Luyện (thôn 5).
Mô hình trồng quýt đường của gia đình ông Nông Văn Luyện (thôn 5).

Cũng là hộ tích cực chuyển đổi cây trồng, đến nay gia đình ông Nông Văn Luyện (thôn 5) đã có mô hình trồng quýt đường mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Từ 4 cây quýt đường được trồng trong vườn để phục vụ gia đình, trong quá trình chăm sóc và thu hoạch, ông nhận thấy loại cây trồng này phù hợp đất đai, khí hậu ở địa phương, cây cho nhiều trái, trái ngọt. Năm 2017, gia đình ông quyết định cải tạo lại 3 sào đất trước đây trồng hoa màu để trồng 360 cây quýt đường.

Ông đã tham quan, học hỏi kỹ thuật chăm sóc ở các mô hình trồng cam, quýt trên địa bàn huyện Buôn Đôn để áp dụng vào vườn cây của gia đình. Sau hai năm chăm sóc, vụ đầu tiên gia đình ông Luyện đã thu bói 7 tạ quả. Đến nay, sản lượng vườn cây đạt trung bình 6 tấn/năm. Sản phẩm quýt đường của gia đình ông được khách hàng ưa chuộng, nhờ quả to, ngọt, mọng nước.

“Để cây trồng phát triển bền vững, cho năng suất và chất lượng cao, gia đình thực hiện chăm sóc cây theo hướng hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tạo ra sản phẩm sạch để cung cấp cho người tiêu dùng. Nhờ đó, quýt đường của gia đình được Siêu thị Co.opMart Buôn Ma Thuột đặt mua với giá 13.000 đồng/kg và tiêu thụ tại địa phương với giá 20.000 – 25.000 đồng/kg, đầu ra thuận lợi mang lại lợi nhuận 120 triệu đồng/năm”, ông Luyện chia sẻ. Hiện ông đang tiếp tục trồng thêm 1.000 cây quýt đường thay thế một số diện tích cây trồng kém hiệu quả khác.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn xã Cư M'gar đang có những chuyển biến tích cực, nông dân đã chủ động trồng xen canh, đa canh một số loại cây như: sầu riêng, bơ, mít, măng tây…, tập trung ở các thôn 2, 5, 6 và thôn 7. Các mô hình chuyển đổi đã giúp người dân tăng thêm thu nhập trên cùng một diện tích, cải thiện đời sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của địa phương xuống 5,3%, thu nhập bình quân đầu người đạt 41 triệu đồng/năm.

Phương Thảo


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.