Multimedia Đọc Báo in

Chiến lược phát triển cho cà phê đặc sản Việt Nam

06:09, 03/05/2021

Phát triển cà phê đặc sản được xem là một nhu cầu cấp bách và là chiến lược để giúp ngành hàng cà phê Việt Nam khai thác phân khúc thị trường mới. Đồng thời, cà phê đặc sản sẽ "dẫn dắt" ngành cà phê vào lộ trình nâng cao giá trị và năng lực cạnh tranh của cà phê Việt Nam trên trường quốc tế, trong đó có cà phê Buôn Ma Thuột.

Nền tảng của cà phê đặc sản

Hiện nay, ngành cà phê của Việt Nam, trong đó có tỉnh Đắk Lắk đã hội nhập khá sâu vào thị trường cà phê toàn cầu. Đặc biệt là sự tham gia vào phân khúc cà phê đặc sản, đây chính là "chìa khóa" khẳng định chất lượng cà phê và năng lực cạnh tranh của cà phê Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, để tạo ra chuỗi cung ứng cho cà phê đặc sản, Hiệp hội đã tổ chức các cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam nhằm thu hút những tổ chức, cá nhân quan tâm đến chất lượng cà phê để họ đầu tư làm ra những hạt cà phê thơm ngon nhất và được thực hiện theo chuỗi chế biến sâu (chất lượng nguồn nguyên liệu; dây chuyền sản xuất công nghệ tiên tiến; công thức rang, xay, pha chế đáp ứng được nhu cầu người dùng cà phê trên thế giới...)

Ban giám khảo chấm điểm các mẫu cà phê tham dự Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam năm 2021.
Ban giám khảo chấm điểm các mẫu cà phê tham dự Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam năm 2021.

Có thể nói, Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam lần đầu tiên tổ chức trong dịp Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019 đã đánh dấu một thời kỳ mới của ngành cà phê là Việt Nam chính thức phát triển cà phê đặc sản và hướng tới tham gia thị trường cà phê đặc sản thế giới. Cuộc thi thu hút 31 đơn vị tham gia, với 42 mẫu cà phê được sản xuất trên cả nước và đã chọn được 25 mẫu đạt tiêu chuẩn cà phê đặc sản (theo thang điểm quốc tế). Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam có sản phẩm cà phê nhân đặc sản để giới thiệu, kết nối đến các nhà rang xay trong và ngoài nước, bước đầu đã tạo được giá trị gia tăng cho cà phê Việt Nam.

Đề án Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam sẽ chia hai giai đoạn để phát triển, gồm: giai đoạn 2021 – 2025, diện tích cà phê đặc sản đạt 11.500 ha, chiếm khoảng 2% tổng diện tích cà phê; giai đoạn 2026 – 2030, tổng diện tích đạt gần 19.000 ha, chiếm khoảng 3% diện tích cà phê Việt Nam. Cùng với việc phát triển sản xuất thì Bộ NN-PTNT xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách, thương hiệu cà phê đặc sản Việt Nam.

Tiếp nối thành công của cuộc thi đầu tiên, đến nay Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã tổ chức được thêm hai cuộc thi vào năm 2020 và 2021. Điều đáng chú ý là số lượng các đơn vị tham gia, số mẫu dự thi, sản lượng cà phê đặc sản tăng cao qua các năm. Đặc biệt, trong Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam năm 2021 có 74 mẫu tham gia dự thi, tăng 21 mẫu so với cuộc thi năm 2020 và đến vòng sơ kết đã có 47 mẫu đạt tiêu chuẩn cà phê đặc sản (tăng 9 mẫu). Ông Trịnh Đức Minh chia sẻ, đây là niềm vui mừng không chỉ của Ban tổ chức mà còn khẳng định rằng chúng ta đang phát triển đúng hướng, có sự tham gia tích cực của các nhân tố liên quan. Điều này cho thấy những người làm cà phê ngày càng quan tâm hơn đến việc khẳng định chất lượng cà phê do mình làm ra, coi đó là một phương tiện giúp minh bạch hóa về chất lượng để tham gia thị trường cà phê đặc sản, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị cà phê Việt và cà phê đã được cấp chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột.

Tiếp sức để nâng cao chất lượng cà phê Việt Nam

Để tiếp sức cho lộ trình nâng cao và khẳng định chất lượng cà phê Việt Nam trên thế giới, mới đây Bộ NN-PTNT đã phê duyệt Đề án Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030. Mục tiêu là phát triển cà phê đặc sản Việt Nam phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đáp ứng nhu cầu cà phê đặc sản ngày càng tăng ở các thị trường xuất khẩu và nội địa, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới.

Căn cứ vào địa hình, khí hậu, chất đất, cà phê đặc sản sẽ tập trung phát triển ở những vùng phù hợp với cà phê chè (Arabica) và cà phê vối (Robusta). Cụ thể: cà phê chè đặc sản sẽ trồng ở một số vùng thuộc các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Quảng Trị, Kon Tum, Lâm Đồng, với tổng diện tích đến năm 2030 là 11.620 ha; cà phê vối đặc sản sẽ được trồng chủ yếu ở các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và một phần diện tích ở Lâm Đồng, Kon Tum, với tổng diện tích là 7.340 ha. Trong đó, tỉnh Đắk Lắk sẽ phát triển cà phê vối đặc sản tại 5 xã thuộc 3 huyện, thành phố, gồm: huyện Krông Năng (xã Ea Tân, Ea Toh); huyện Krông Pắc (xã Hòa An, Ea Yông) và TP. Buôn Ma Thuột (xã Ea Tu), với tổng diện tích khoảng 1.060 ha vào năm 2025 và 2.120 ha vào năm 2030, sản lượng dự kiến khoảng 1.500 tấn vào năm 2030.

Công đoạn lựa chọn quả cà phê đặc sản ở trang trại Aeroco coffee (TP. Buôn Ma Thuột)
Công đoạn lựa chọn quả cà phê đặc sản ở trang trại Aeroco coffee (TP. Buôn Ma Thuột).

Để đạt được kế hoạch đề ra, Bộ NN-PTNT yêu cầu các địa phương tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong các khâu sản xuất và đẩy mạnh cơ khí hóa, tự động hóa trong chế biến; tập trung đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển cà phê đặc sản (từ người sản xuất, chế biến, thử nếm, chọn tạo cây giống…). Đối với hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, Bộ NN-PTNT yêu cầu phải đẩy mạnh việc cung cấp thông tin về thị trường tiêu thụ sản phẩm cà phê đặc sản cho các tác nhân trong chuỗi giá trị cà phê đặc sản.  Đồng thời tăng cường kết nối giữa người sản xuất và những nhà rang xay, chế biến, tiêu thụ cà phê đặc sản; xây dựng, phát triển thương hiệu cà phê đặc sản…

Theo đánh giá của Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, với sự góp sức của Nhà nước, cộng đồng cà phê đặc sản sẽ lớn mạnh lên, đặc biệt là công tác tổ chức, phát triển nguồn nhân lực cũng như quản lý chặt chẽ các khâu trong chuỗi giá trị cà phê đặc sản, bảo đảm phát triển bền vững ngành cà phê..

Minh Thuận

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.