Multimedia Đọc Báo in

Doanh nghiệp, hộ kinh doanh tìm cách thích ứng với bối cảnh mới

12:14, 14/05/2021

Giữa làn sóng đại dịch, DN không khỏi lao đao. Bị ảnh hưởng nặng nề nhất là khối DN sản xuất, kinh doanh khi lợi nhuận bị sụt giảm mạnh.

Ông Lê Đức Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk cho hay, sau các đợt dịch COVID-19 "đến rồi đi", DN tìm cách phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Những tín hiệu tích cực vừa nhìn thấy sau thời gian chịu nhiều tác động của dịch COVID-19 lần thứ nhất thì gần đây, dịch bệnh lại khiến giá các chi phí dịch vụ vận chuyển cảng biển tăng, có lúc còn xảy ra tình trạng khan hiếm container rỗng để luân chuyển hàng hóa khiến phát sinh thêm chi phí, tốn thời gian của DN... đã tác động không nhỏ đến lợi nhuận của đơn vị.

Không chỉ ở những DN lớn, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chị Võ Thị Hồng Trang, chủ cửa hàng kinh doanh thời trang SuBin (số 41 đường Trần Phú, phường Thành Công, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, dịch COVID-19 đã làm hoạt động kinh doanh của cửa hàng rơi vào tình trạng ế ẩm, trong khi tiền mặt bằng hằng tháng phải trả cộng với tiền thuê nhân công, điện, nước… khiến chị gặp muôn vàn khó khăn.

Phân loại sản phẩm trước khi đóng gói và xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk.
Phân loại sản phẩm trước khi đóng gói và xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk.

Mới đây, ca nhiễm COVID-19 lại bất ngờ xuất hiện ở địa phương, khó khăn càng thêm chồng chất với DN, hộ kinh doanh cá thể. Tuy nhiên, họ cũng linh hoạt tìm cách thích ứng với “cú sốc” mới, chủ động kế hoạch vừa phòng, chống dịch bệnh vừa đa dạng hóa các hình thức bán hàng để thu hút khách.

Ông Lê Đức Huy chia sẻ, trải qua nhiều khó khăn do dịch bệnh, DN đã có kinh nghiệm ứng phó, thích nghi và chủ động tìm hướng đi mới. Cụ thể, DN tăng cường các hình thức trực tuyến để giữ kết nối với đối tác, chủ động phân phối sản phẩm đến khách hàng mà không cần “phải đến tận nơi, sờ kỹ từng mặt hàng” như trước đây. Để duy trì có hiệu quả hoạt động kinh doanh, công ty chủ động áp dụng các phương pháp, phát triển công nghệ, chuyển đổi từ hình thức kinh doanh truyền thống sang môi trường trực tuyến để tiếp cận khách hàng một cách tốt nhất. Các phương thức tiếp thị của DN nhanh chóng được thay đổi bằng cách đẩy mạnh đầu tư cho website, tiếp cận người mua hàng từ các kênh thương mại điện tử. Mặt khác, trong bối cảnh xuất khẩu chịu nhiều tác động tiêu cực từ dịch bệnh, đơn vị cũng hướng đến thị trường nội địa, tùy theo đặc thù, thị hiếu của người tiêu dùng từng vùng mà có chiến lược phát triển kinh doanh, phát triển một số mặt hàng phù hợp.

Nhân viên Shop SuBin (phường Thành Công, TP. Buôn Ma Thuột) đóng gói đơn hàng online để giao  cho khách.
Nhân viên Shop SuBin (phường Thành Công, TP. Buôn Ma Thuột) đóng gói đơn hàng online để giao cho khách.

Tình hình mới có nhiều khó khăn, các hộ kinh doanh cá thể cũng nỗ lực thích ứng với bối cảnh thay đổi, chuyển hoạt động kinh doanh sang hướng mới nhằm bù lại nguồn khách, nguồn thu bị sụt giảm. Chị Võ Thị Hồng Trang cho hay: “Dịch bệnh còn phức tạp, nếu chỉ trông chờ vào lượt khách đến tận nơi để xem và mua hàng thì e rằng đến hết năm, hàng hóa vẫn còn nằm đầy kho. Trong khi đó, đặc tính của hàng may mặc thời trang là bán theo mùa, theo thị hiếu, nếu để quá mùa thì coi như lỗi thời, khỏi bán”. Trong tình thế đó, chị tập trung chuyển sang bán hàng online, tận dụng lợi thế từ các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo để thu hút khách hàng. Trong kế hoạch kinh doanh của mình, chị “đánh mạnh” vào những sản phẩm thời trang mang tính chất thoải mái, tiện lợi, giá hợp lý cho khách hàng. 

Tương tự, chị Phan Thị Hồng, chủ cửa hàng ăn uống trên đường Nguyễn Công Trứ (phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) cũng nhanh chóng tìm hướng đi mới. Chị nhận thấy nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của khách hàng đúng là có giảm, nhưng không giảm sâu mà chỉ chuyển từ nhóm ăn uống tại cửa hàng, phục vụ tại chỗ sang nhóm ăn uống tại nhà. Từ đó chị tích cực hơn trong việc giao hàng tận nơi, chú trọng chất lượng hàng hóa khi đến tay khách hàng. Theo chị, "trong cái khó ló cái khôn", chị tìm hiểu, phát hiện do dịch bệnh nên lượng khách mua hàng mang về nhà là không hề nhỏ. Chị lên trang Facebook cá nhân để thông báo cho khách hàng, bạn bè biết về các thay đổi tạm thời trong việc hạn chế khách ăn tại chỗ, cung cấp dịch vụ giao hàng tận nơi của quán, giới thiệu thực đơn hằng ngày cũng như cung cấp số điện thoại để khách đặt hàng.

Một lần nữa, thử thách mới lại đặt ra đối với cộng đồng DN, hộ kinh doanh trong tỉnh. Làm cách nào để bảo đảm vừa chống dịch, vừa duy trì có hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới là câu hỏi khiến người kinh doanh trăn trở. Thế nhưng, nhiều DN, hộ kinh doanh ở Đắk Lắk vẫn tin rằng "rủi ro luôn song hành với cơ hội”, hy vọng sự chuyển hướng kịp thời sẽ giúp họ trụ vững, nắm bắt thời cơ mới để phát triển. 

Hơn một năm nay, dịch COVID-19 xuất hiện và gây nhiều “sóng gió” cho doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh trong tỉnh khiến họ phải “gồng mình”, nỗ lực nhiều hơn và triển khai các phương án để dần thích nghi với bối cảnh mới.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.