Multimedia Đọc Báo in

Gương sáng của buôn làng

10:58, 22/05/2021

Hơn mười năm trước, anh Ksơr Y Tiến (SN 1987) là người con đầu tiên của buôn Hwing (xã Ea Sol, huyện Ea H’leo) đi học đại học.

Nhà nghèo, con đông nhưng thấy em trai ham học, các anh chị trong gia đình cùng góp tiền theo khả năng để Y Tiến trang trải chi phí học tập, sinh hoạt. Năm 2011, anh Y Tiến tốt nghiệp cử nhân sư phạm Hóa, Trường Đại học Quy Nhơn, trở về buôn làng với khát khao được truyền dạy kiến thức cùng khát vọng vươn lên cho học sinh dân tộc thiểu số.

Trong thời gian chờ xin việc, anh "bén duyên" với nghề dẫn chương trình cho các đám cưới, tân gia. Sau đó, anh lập gia đình và được chia hơn 3 ha đất rẫy cùng 3 sào lúa nước. Nhờ chăm học hỏi kinh nghiệm và tiếp cận phương pháp canh tác mới qua các hội thảo, tài liệu, sách vở, anh Y Tiến dần cải tạo vườn cà phê già cỗi sang các giống mới năng suất cao kết hợp với trồng tiêu và cây ăn trái thay thế các loại cây ngắn ngày.

 

Anh Ksơr  Y Tiến  lựa chọn  các giống  cà phê  năng suất cao  để tái canh.
Anh Ksơr Y Tiến lựa chọn các giống cà phê năng suất cao để tái canh.

 

Năm 2015, con gái anh mắc hội chứng thận hư, phải nằm viện dài ngày, chi phí thuốc men ngoài danh mục Bảo hiểm y tế chi trả lên đến hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Để có tiền chữa bệnh cho con, anh đánh liều vay tiền đầu tư bàn ghế, khung rạp cho thuê rồi dần phát triển thành Dịch vụ gia chánh Ama Tiên Sa và gác lại giấc mơ làm thầy giáo.

Thời gian đầu rất vất vả, vợ chồng anh phải thay phiên chăm sóc con tại bệnh viện để anh Y Tiến có thời gian đi giới thiệu dịch vụ, ký hợp đồng với các gia đình có nhu cầu tổ chức đám tiệc. Ngoài các món cơ bản trong dịch vụ gia chánh, anh Y Tiến còn linh hoạt thay đổi thực đơn theo khẩu vị của người Êđê, Gia Rai trong vùng như có thêm các món thịt giã cùng gia vị, lòng đắng (vêch), muối kiến vàng, muối cỏ thơm (kruế chuôr)… Anh Y Tiến cho biết, nghề gia chánh có sự cạnh tranh rất cao nhưng nhờ cái duyên cùng sự ủng hộ và giới thiệu của bà con thân thuộc xa gần, Dịch vụ gia chánh Ama Tiên Sa dần được nhiều khách hàng biết đến và tin tưởng giao cho anh phụ trách cỗ bàn, đãi tiệc trong các đám cưới, tân gia, liên hoan, mừng thọ…

Sau hơn hai năm điều trị tích cực cho con, may mắn mỉm cười với anh khi bệnh tình của con gái dần ổn định hơn. Anh cũng thêm phần nỗ lực trong việc đổi mới thực đơn, đầu tư thêm các vật dụng trang trí để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Tổng thu nhập từ canh tác nông nghiệp và dịch vụ tiệc cưới của gia đình anh đạt gần 400 triệu đồng/năm.

 

Anh Ksơr Y Tiến (giữa) cùng bà con tham gia làm đường giao thông ngõ xóm.
Anh Ksơr Y Tiến (giữa) cùng bà con tham gia làm đường giao thông ngõ xóm.

 

Cũng nhờ có được nhiều hợp đồng tổ chức tiệc, Dịch vụ gia chánh Ama Tiên Sa đã tạo việc làm cho 37 lao động thời vụ tại các buôn của xã Ea Sol, với thu nhập bình quân 250.000 đồng/ngày. Ngoài ra, anh còn đều đặn trích một phần lợi nhuận để tặng quà cho học sinh các điểm trường tại địa phương và tham gia cùng hai nhóm từ thiện thường xuyên giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn, tặng quà ủng hộ bà con vùng chịu thiệt hại do thiên tai.

Cuối năm 2020, anh Y Tiến đã vận động các hộ dân trong xóm làm đường bê tông dài hơn 100 mét, với tổng kinh phí trên 30 triệu đồng và 42 công lao động. Ban đầu, anh Y Tiến ủng hộ toàn bộ chi phí vật tư, thuê ca máy để bà con cùng chung tay thực hiện. Thấy được sự nhiệt tình, năng nổ của anh, các hộ dân không chỉ góp công mà còn góp thêm tiền để con đường bê tông ngõ xóm được xây dựng rộng rãi, khang trang, sạch đẹp hơn.

Với những đóng góp của mình, năm 2020, anh Y Tiến đã được Hội Nông dân huyện Ea H’leo tuyên dương gương sản xuất kinh doanh giỏi và Chủ tịch UBND xã Ea Sol khen thưởng thành tích trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc