Multimedia Đọc Báo in

Krông Pắc phát huy lợi thế OCOP

08:00, 07/05/2021

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là một trong những “bệ đỡ” nâng tầm nông sản từ cấp cơ sở, tạo hướng đi cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Nông dân huyện Krông Pắc đã và đang từng bước khai thác lợi thế từ OCOP để nâng cao giá trị cho nông sản của mình.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Pắc cho hay, đến thời điểm này, toàn huyện có 5 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh hạng 3 sao. Điều cốt yếu của OCOP là nông dân hiểu được ý nghĩa và tự phát huy nội lực của mình, từng bước hoàn thiện chất lượng, mẫu mã, thương hiệu cho sản phẩm để hội nhập từ cơ sở. Từ đó tự tạo được sản phẩm và gia tăng chất lượng, giá trị theo các tiêu chuẩn nhất định của thị trường. Trong quá trình thực hiện OCOP, nông dân có cơ hội tương tác với nhau, cùng kết nối, hỗ trợ nhau hoàn thiện sản phẩm từ chất lượng đến thương hiệu. Đồng thời, tận dụng cơ hội giao thương, xúc tiến thương mại của OCOP mang lại để phát triển thị trường, mở rộng quy mô sản xuất.

Bí thư Huyện ủy Krông Pắc Trần Hồng Tiến (thứ hai từ phải sang) tham quan mô hình sản xuất vải thiều trên địa bàn.
Bí thư Huyện ủy Krông Pắc Trần Hồng Tiến (thứ hai từ phải sang) tham quan mô hình sản xuất vải thiều trên địa bàn.

Năm 2019, gia đình anh Trần Đức Quý (khối 11, thị trấn Phước An) bắt đầu thử nghiệm mô hình khép kín nuôi trồng đông trùng hạ thảo. Đến nay, nhờ nỗ lực học hỏi, nâng cấp chất lượng sản phẩm của gia đình và sự kết nối của địa phương, cơ sở của anh đã sản xuất, bảo vệ thành công hai sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao cấp tỉnh của chương trình OCOP. Anh Quý phấn khởi cho biết: "Từ sản xuất đến thăng hạng cho sản phẩm qua chương trình OCOP là điều “thần tốc”. Bởi từ thời điểm bắt đầu nuôi trồng đông trùng hạ thảo, gia đình tôi trải qua những giai đoạn rất khó khăn khi liên tiếp thất bại trong năm đầu tiên (2019). Lần lượt các đợt nuôi 1.000 phôi nấm đông trùng hạ thảo (tháng 3), 4.000 nhộng trùng con (tháng 4), 3.000 phôi nấm (tháng 10)… đều bị chết hoàn toàn, ước thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Đến tháng 4-2020 gia đình mới nuôi thành công lứa đông trùng hạ thảo đầu tiên với số lượng gần 3.000 phôi nấm".

 
Chương trình OCOP là định hình giá trị cho sản phẩm nông nghiệp chủ lực của mỗi địa phương, thời gian tới huyện sẽ tăng cường chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp vận động, hỗ trợ người dân xây dựng sản phẩm OCOP, từng bước nâng tầm cho nông sản”.
 
Bí thư Huyện ủy Krông Pắc Trần Hồng Tiến

Từ những kinh nghiệm có được, lần lượt các mẻ đông trùng hạ thảo tiếp theo đã thành công. Gia đình anh Quý đã chế biến thành công 5 sản phẩm gồm: rượu đông trùng hạ thảo, nấm đông trùng hạ thảo, ngũ cốc đông trùng hạ thảo, đông trùng hạ thảo ngâm mật ong và nhộng trùng thảo. Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, ngay khi nuôi trồng thành công đông trùng hạ thảo, gia đình anh Quý đã áp dụng và từng bước hoàn thiện quy chuẩn của sản phẩm OCOP, tham gia vào kỳ đánh giá sản phẩm cấp huyện, cấp tỉnh cuối năm 2020. Kết quả, sản phẩm rượu đông trùng hạ thảo và nấm đông trùng hạ thảo đạt chuẩn OCOP 3 sao.

Theo anh Quý, thông qua xu thế phát triển của chương trình OCOP cho thấy người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm đến vấn đề sức khỏe, trong đó ưu tiên các sản phẩm chất lượng cao, được sản xuất theo hướng hữu cơ, có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng ổn định. Do đó, với “bệ đỡ” OCOP, gia đình anh tiếp tục kiên định mục tiêu sản xuất theo hướng hữu cơ với thời gian nuôi trồng đông trùng hạ thảo trong phòng lạnh là 70 ngày, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường và được người tiêu dùng chấp nhận…

Anh Trần Đức Quý kiểm tra tiến độ phát triển của nấm đông trùng hạ thảo.
Anh Trần Đức Quý kiểm tra tiến độ phát triển của nấm đông trùng hạ thảo.

Từ những lợi ích đã đạt được, sức lan tỏa của OCOP ngày càng rộng tại huyện Krông Pắc. Theo kế hoạch của huyện và nhu cầu đăng ký từ người dân, trong năm 2021, huyện Krông Pắc dự tính đưa 4 nhóm sản phẩm của địa phương tham gia kỳ đánh giá OCOP sắp tới là yến sào, cà phê ô liu, bồ câu thảo dược, sầu riêng.

Bà Phan Thị Phương Dung (Giám đốc Công ty TNHH Yến sào Thành Dung, thị trấn Phước An) nuôi yến hơn 6 năm nay. Hiện tại, bình quân mỗi tháng công ty thu khoảng 10 kg tổ yến thô. Từ số yến thô này, công ty thuê 5 nhân công địa phương (mức lương 6 - 7 triệu đồng/tháng) sơ chế, chế biến tạo ra thành phẩm gồm: yến tươi, yến sấy khô, yến hũ… Ngoài ra, công ty còn kết nối, tiêu thụ các sản phẩm yến của người dân địa phương để sơ chế, chế biến thành phẩm cung cấp cho người tiêu dùng. Để nâng tầm cho sản phẩm, hiện tại đơn vị đang định hướng các hộ kết nối thành lập hợp tác xã; hoàn thiện hồ sơ, thủ tục liên quan để tham gia kỳ đánh giá sản phẩm OCOP năm 2021. Các quy trình thu hoạch, sơ chế, bảo quản đang được chuẩn hóa để có thể truy xuất nguồn gốc đến từng công đoạn là ngày hái tổ yến, ngày sơ chế, ngày đóng hộp…

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.