Ngành du lịch thấp thỏm vì dịch COVID-19
Dịch COVID-19 bất ngờ xuất hiện khiến doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch lao đao giữa "sóng gió" tứ bề. Giống như những nơi khác, ngành du lịch Đắk Lắk đang tìm cách vực dậy, kích cầu bằng các chương trình, tour, tuyến mới thì "sóng trước chưa qua, sóng sau đã đến".
Chưa bao giờ, ngành du lịch lại “oằn mình” thấp thỏm như hiện tại. Khi những dấu hiệu tích cực vừa chớm sau thời gian chịu nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch thì ca nhiễm đầu tiên trong năm 2021 bất ngờ xuất hiện tại tỉnh, ngành du lịch địa phương lại hứng chịu ảnh hưởng nặng nề. Các khu tham quan, điểm đến vắng lặng, thị trường du lịch của tỉnh rơi vào ảm đạm.
Trên các diễn đàn du lịch, người dân bày tỏ lo lắng về việc đi du lịch giai đoạn này. Chị Nguyễn Thanh Thủy (xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar) chia sẻ, gia đình chị có kế hoạch đi Đà Nẵng từ ngày 24 đến 27-5. Từ giữa tháng 3, chị đã đặt tour cho 4 người, 4 ngày 3 đêm với giá 3,5 triệu đồng/người. Tuy nhiên, dịch COVID-19 bùng phát, chị đã hoãn kế hoạch này.
Khu du lịch sinh thái - văn hóa cộng đồng Kô Tam thực hiện kiểm tra thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn đối với khách đến tham quan. |
Theo các công ty lữ hành của tỉnh, kỳ nghỉ hè được coi là “mùa vàng” giúp doanh nghiệp lữ hành du lịch vực dậy thì đã gặp ngay “cú đấm bồi” khi COVID-19 trở lại. Khách quốc tế giảm mạnh đã đành, thị trường nội địa được coi là bệ đỡ cũng rơi vào thế khó khi dịch lan ra nhiều địa phương trong cả nước. Ông Đoàn Hải Quân, Giám đốc Vietravel Buôn Ma Thuột cho hay, dịch xảy ra tại tỉnh, tất cả tour đến Đắk Lắk trong tháng 5 mà khách đặt từ cuối tháng 3 đều bị hủy vì người dân lo ngại dịch bệnh. Đối với các tour đi các tuyến khác trong cả nước, có 20% tour khách đặt bị hoãn chờ dịp khác. Với các trường hợp này, công ty phải hoàn đủ tiền cho khách, đồng thời khuyến khích khách lùi thời gian. Đơn vị vận dụng tất cả chính sách để hạn chế thiệt hại do khách hủy tour. Cùng với đó, mọi giao dịch mới phát sinh trong tháng 5, tháng 6 tới hầu như bị “đóng băng”. Dịch bệnh khiến các doanh nghiệp trong ngành du lịch bị thiệt hại nặng nề.
Trong khi đó, chị Phạm Thị Ngân, nhân viên Công ty Cổ phần Du lịch Saigon Star chia sẻ, từng hy vọng mùa hè sôi động để kích cầu cho du lịch năm nay, tuy nhiên đến thời điểm này thì mọi thứ trở nên khó khăn. Ngay sau khi có thông tin ca mắc COVID-19 ở Đắk Lắk, các tour đến tỉnh đồng loạt bị hủy. Đối với các tour trong nước khác đã ký từ tháng 2 cũng bị hoãn vì khách không yên tâm với dịch bệnh. Chỉ tính riêng trong tháng 5 này, chị có 5 tour, với hơn 200 khách đã chính thức bị hủy. Mọi hy vọng về sự hồi sinh vào dịp 2-9 tới cũng giảm đi nhiều, chỉ mong mọi sự tươi sáng hơn vào dịp Tết Nguyên đán tới.
Không chỉ với doanh nghiệp lữ hành, đối với các khu, điểm du lịch trong tỉnh cũng rơi vào tình thế tương tự. Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch cộng đồng Kô Tam chia sẻ, trong đợt dịch này Đắk Lắk có ca nhiễm, lượng khách vắng chưa từng có. Ảnh hưởng bởi làn sóng COVID-19, từ đầu năm đến nay, khu du lịch chỉ đón hơn 100.000 lượt khách đến tham quan, giảm 50% so với bình thường.
Dù đã vào mùa sôi động của du lịch nhưng Khu du lịch Kotam vắng khách vì dịch bệnh. |
Theo Sở Văn hóa - Thể Thao và Du lịch, đại dịch luôn rình rập, ngành du lịch địa phương đã và đang tìm đường vượt khó. Tổng lượt khách đến từ đầu năm đến nay đạt gần 330 nghìn lượt khách, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu đạt trên 285 tỷ đồng. Sự tăng trưởng này chủ yếu ở lượt khách nội địa. Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho hay, Sở đang đẩy mạnh truyền thông trên nền tảng số, ứng dụng công nghệ số trong quảng bá, thu hút du khách đến với tỉnh. Trong nỗ lực vực dậy ngành du lịch, riêng quý 2, tỉnh dành hơn 11 tỷ đồng để thực hiện chương trình kích cầu du lịch. 17 hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch dự kiến được tổ chức, nổi bật là Lễ hội “Đêm trắng Ban Mê"; Hội chợ du lịch, thương mại và đặc sản vùng miền; Tuần lễ “Đắk Lắk - đến và khám phá”… Thế nhưng, nhiều sự kiện đã phải hủy và tạm hoãn vì công tác phòng chống dịch vẫn luôn là mục tiêu phải đặt lên hàng đầu.
“Bão này chưa qua thì bão sau lại đến”, đã trải qua hơn một năm đầy sóng gió vì dịch bệnh, nay doanh nghiệp du lịch lại tiếp tục oằn mình. Nhiều doanh nghiệp trong ngành cho biết, họ trông chờ, tin tưởng vào nỗ lực dập dịch của Chính phủ, và chính quyền các địa phương để người dân an tâm hơn trong việc đi du lịch. Mặt khác, cộng đồng làm du lịch sẽ cùng hợp tác, liên kết xây dựng các tour, tuyến, chương tình mới lạ, độc đáo. Trong đó, một trong những xu hướng mới là chuyển từ việc đưa khách đến những địa điểm nổi tiếng sang các điểm mang tính tự nhiên, hoang sơ vừa bảo đảm chống dịch, vừa đáp ứng nhu cầu du lịch của du khách.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc