Nở rộ các dự án điện gió
Nhằm tạo môi trường cũng như thu hút đầu tư vào địa phương trong lĩnh vực năng lượng sạch, thời gian qua, Đắk Lắk đã có nhiều giải pháp và hành động cụ thể. Đến nay đã có nhiều dự án được đầu tư vào lĩnh vực điện gió mang lại hiệu quả.
Nhiều dự án được phê duyệt
Đắk Lắk có diện tích tự nhiên lớn thứ tư cả nước, đất đai màu mỡ, ít bị ảnh hưởng của bão, khí hậu phù hợp với sản xuất nông nghiệp đa dạng với quy mô lớn.
Đắk Lắk còn có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió, với tổng công suất dự kiến có thể đạt khoảng 10.000 MW.
Chính vì vậy, trong những năm gần đây, tỉnh đã thực hiện nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này.
Theo ông Đinh Xuân Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, năng lượng tái tạo như điện gió là một trong những lĩnh vực mà tỉnh đã và đang chú trọng thu hút đầu tư. Vì vậy, tỉnh đã rất nỗ lực hỗ trợ nhà đầu tư về thủ tục, thuế, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ di dân tái định cư... Từ đó đã có nhiều dự án được đầu tư và đi vào hoạt động hiệu quả.
Cánh đồng tua bin điện gió của Trang trại phong điện Tây Nguyên (thôn 4, xã Dliê Yang, huyện Ea H’leo). |
Dự án điện gió đầu tiên đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh là Trang trại phong điện Tây Nguyên (thôn 4, xã Dliê Yang, huyện Ea H’leo) của Công ty Cổ phần Giải pháp năng lượng gió HBRE.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Giải pháp năng lượng gió HBRE cho biết, dự án chính thức thi công từ tháng 10-2017, với công suất thiết kế 28,8 MW, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 1.800 tỷ đồng. Đến nay đã lắp đặt xong 12 tụ máy, trong đó có 5 tụ máy đã vận hành phát điện từ tháng 9-2019 với công suất 12 MW và đã phát được hơn 40 triệu kWh, số giờ phát khoảng gần 10 giờ/ngày, hiệu suất đạt 40%. Kết quả đạt được vượt trên cả kỳ vọng của nhà đầu tư.
Với tiềm năng lớn về điện gió, điện mặt trời, tỉnh Đắk Lắk đặt mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng của vùng Tây Nguyên. Phấn đấu, giai đoạn 2020 - 2025, phát triển năng lượng tái tạo đạt công suất 2.000 - 3.000 MW; giai đoạn 2026 - 2030 là 3.000 - 4.000 MW. |
Tiếp nối thành công của những nhà đầu tư tiên phong, thời gian gần đây nhiều dự án điện gió đã được chấp thuận chủ trương đầu tư. Đặc biệt, số dự án điện gió “nở rộ” trong những tháng đầu năm 2021.
Theo báo cáo của Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh (Sở Kế hoạch và Đầu tư), trong 3 tháng đầu năm 2021, tỉnh Đắk Lắk đã quyết định chủ trương đầu tư cho 10 dự án, với tổng vốn trên 10.185 tỷ đồng, tăng hơn 9.400 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý trong số đó có 6 dự án điện gió, với tổng vốn đầu tư 10.088 tỷ đồng, chiếm 99% tổng vốn đầu tư của 10 dự án.
Điển hình là Dự án nhà máy điện gió Cư Né 1 (xã Cư Né, huyện Krông Búk), với tổng vốn đầu tư 2.209 tỷ đồng; Dự án nhà máy điện gió Cư Né 2 (xã Cư Né, huyện Krông Búk), với tổng vốn đầu tư 1.952 tỷ đồng…
Các dự án này sau khi được triển khai thực hiện và hoàn thành sẽ đóng góp tích cực, bảo đảm cung cấp điện cho tỉnh Đắk Lắk và khu vực kinh tế trọng điểm vùng Tây Nguyên cũng như an ninh năng lượng quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Đồng thời sẽ góp phần hoàn thành mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 14-NQ/TU, ngày 15-7-2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển năng lượng tái tạo tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Vẫn còn thách thức
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Giải pháp năng lượng gió HBRE thông tin, hiện nay công ty đã chuẩn bị thực hiện giai đoạn 2 của Dự án Trang trại phong điện Tây Nguyên, đồng thời đề xuất thêm 3 dự án điện gió khác trên địa bàn tỉnh, nhưng Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII) hiện vẫn chưa được phê duyệt.
Trung ương cũng chưa ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết Luật Quy hoạch liên quan đến nội dung, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển điện lực nên việc thẩm định, phê duyệt bổ sung các dự án điện gió vào quy hoạch phát triển điện lực còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư, kéo dài thời gian thực hiện dự án.
Trạm biến áp 110KV của Trang trại phong điện Tây Nguyên (thôn 4, xã Dliê Yang, huyện Ea H’leo). |
Cũng theo nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực điện gió nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung trên địa bàn tỉnh, hiện nay lãi vay vốn phục vụ nhu cầu đầu tư, triển khai các dự án khá cao. Trong khi đó phụ tải thấp, khả năng truyền tải của hệ thống lưới điện lại không cao nên các nhà máy phải liên tục cắt giảm công suất phát.
Việc “dư điện, thiếu đường dây” này làm ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của dự án. Bên cạnh đó, theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg, ngày 10-9-2018 của Thủ tướng Chính phủ, đến ngày 1-11-2021 sẽ hết hiệu lực áp dụng giá mua điện 8,5 Uscent/kWh.
Trong khi đó, trong 6 dự án điện gió được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư trong quý I-2021 thì có đến 4 dự án phải hoàn thành trước tháng 11-2021, vì vậy các nhà đầu tư sẽ phải “chạy đua” với tiến độ để kịp giá ưu đãi nên đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Còn theo các chuyên gia về năng lượng, hiện nay có nhiều yếu tố ảnh hưởng tiêu cực cả phía cung lẫn phía cầu của hệ thống năng lượng nói chung và hệ thống điện nói riêng. Chẳng hạn như đại dịch COVID-19 tiếp tục hoành hành ở nhiều nước và tác động không nhỏ đến Việt Nam.
Bên cạnh đó, sự "bùng nổ" trong việc đăng ký đầu tư các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là các dự án điện gió, điện mặt trời thời gian qua cũng gây những khó khăn không nhỏ, đòi hỏi cách tiếp cận phù hợp hơn trong quy hoạch thiết kế, đầu tư và vận hành hệ thống điện. Do đó, cần có cơ chế chính sách sáng suốt, minh bạch, khách quan và khoa học hơn về khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo.
Khả Lê
Ý kiến bạn đọc