Multimedia Đọc Báo in

Nông dân huyện Lắk trúng mùa lúa

08:01, 25/05/2021

Vụ đông xuân 2020 - 2021, huyện Lắk gieo trồng hơn 5.300 ha lúa nước, chủ yếu trồng tập trung tại các xã: Buôn Triết (1.960 ha), xã Đắk Liêng (980 ha), xã Buôn Tría (892 ha). Đến thời điểm này, bà con nông dân đã thu hoạch được hơn 50% diện tích lúa.

Vụ lúa này, nông dân huyện Lắk trúng mùa, trúng giá. Có được kết quả đó là nhờ thời tiết tốt, hệ thống thủy lợi hoàn thiện, bảo đảm nguồn nước tưới, tiêu nên sản xuất lúa rất thuận lợi. Đặc biệt, năng suất lúa tại các xã Buôn Triết, Buôn Tría, Đắk Liêng đạt trung bình 8,5 - 9 tạ/sào.

Niềm vui nhân đôi khi lúa thu hoạch đến đâu được thương lái tìm đến tận ruộng thu mua đến đó với giá 5.800 – 5.900 đồng/kg (cao hơn 900 đồng/kg so với vụ trước); lúa đặc sản được thu mua với giá 6.000 – 6.700 đồng/kg.

 

Nông dân  xã Buôn Triết thu hoạch lúa đông xuân 2020 - 2021.
Nông dân xã Buôn Triết thu hoạch lúa đông xuân 2020 - 2021.

 

Xã Buôn Triết là xã thuần nông, có diện tích gieo trồng lúa lớn nhất huyện. Ông Bùi Mạnh Hải, Chủ tịch UBND xã cho hay: Những năm trước, trên các cánh đồng của xã thường có hiện tượng “lúa ma” - còn gọi là lúa dại - có hình dạng tương đối giống cây lúa, nhưng thân cao hơn, hạt có râu dài, chín đến đâu tự rụng đến đó.

Để khắc phục tình trạng này, chính quyền địa phương đã tổ chức các buổi hội thảo, mời người có kinh nghiệm về chia sẻ kỹ thuật canh tác, chọn giống, trị sâu bệnh… nên tình trạng “lúa ma” đã giảm hẳn. Hiện nay, nông dân xã tập trung trồng các giống lúa đặc sản như: RVT, Đài Thơm, ST 24, ST 25…, một số chân ruộng được chăm sóc tốt năng suất đạt hơn 1,2 tấn/sào, người dân rất phấn khởi.

 

Nông dân xã Buôn Tría đóng lúa vào bao sau khi đã phơi khô.
Nông dân xã Buôn Tría đóng lúa vào bao sau khi đã phơi khô.

 

Cũng như nhiều hộ ở thôn Buôn Tung 1 (xã Buôn Triết), gia đình chị Nguyễn Thị Phán đang tất bật chở lúa về điểm tập kết để cân bán cho thương lái. Chị Phán hồ hởi cho biết: “Gia đình tôi vừa thu hoạch xong 4 ha lúa giống Đài Thơm 8. Vụ lúa này trúng mùa, năng suất đạt cao 1,2 tấn/sào; giá cao hơn năm trước, thương lái tìm đến tận ruộng thu mua lúa tươi với giá cao 6.100 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, tôi lãi trên 120 triệu đồng”.

Tương tự, gia đình ông Trần Văn Tất (ở thôn Mê Linh 2, xã Buôn Triết) trồng 5 sào lúa giống RVT, năng suất đạt 8 tạ/sào. Tuy năng suất không cao bằng một số giống lúa khác, nhưng giá bán ổn định 6.700 đồng/kg, được thương lái đến mua tận ruộng nên ông Tất đỡ mất thời gian phơi, sấy, chỉ tốn tiền thuê máy gặt với giá trung bình 200.000 đồng/sào. Vụ lúa này, ông Tuất thu được gần 15 triệu đồng tiền lãi.

Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.