Multimedia Đọc Báo in

Nông dân M'Drắk được mùa vải

08:13, 20/05/2021

Những ngày này, ở các xã Cư Prao, Ea Pil, Cư Króa (huyện M’Drắk), nhiều vườn vải u hồng chín đỏ, sai trĩu cành trải dài trên những triền đồi. Được mùa, được giá, nông dân huyện M’Drắk đang có một mùa vải ngọt...

Đang ở thời điểm vải bắt đầu chín rộ, tranh thủ thời tiết nắng ráo, nhiều gia đình ở xã Ea Pil tập trung huy động nhân công cắt vải, đóng thùng để thương lái kịp thời vận chuyển về các thành phố lớn. Mọi thành viên trong gia đình bà Đàm Thị Choòng (thôn 2, xã Ea Pil) đang tất bật đóng thùng những chùm vải đỏ, chín mọng để bán cho thương lái. Bà Choòng phấn khởi cho biết: Năm 2015, bà trồng thử nghiệm vải u hồng trên diện tích hơn 1,5 ha đất của gia đình. Cây vải u hồng phát triển tốt trên vùng đất Ea Pil. Sau 3 năm, cây ra quả đều và năng suất cao, quả có vị ngọt đậm, thanh mát rất được ưa chuộng, thương lái tìm vào tận vườn đặt mua. Mùa vải năm nay, gia đình bà Choòng thu hoạch hơn 7 tấn quả, với giá bán tại vườn từ 30.000 đồng/kg; sau khi trừ chi phí bà lãi gần 100 triệu đồng, cao hơn so với trồng mía trước đây.

Mô hình trồng vải u hồng của bà Đàm Thị Choòng, ở thôn 2, xã Ea Pil, huyện M'Drắk (bìa trái).
Mô hình trồng vải u hồng của bà Đàm Thị Choòng, ở thôn 2, xã Ea Pil, huyện M'Drắk (bìa trái).

Những năm trước đây, người dân xã Cư Prao chủ yếu trồng một số cây ăn trái như bưởi, cam, quýt. Gần đây, tận dụng lợi thế sẵn có về đất đai canh tác, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, nhiều gia đình trên địa bàn xã đã mạnh dạn đưa các giống vải u hồng, u trứng vào sản xuất. Hiện diện tích vải trên địa bàn xã Cư Prao là hơn 35 ha.

Gia đình chị Vũ Thị Mùi (ở thôn 9) là một trong những hộ có diện tích canh tác vải tương đối lớn ở xã Cư Prao. Trước đây gia đình chị chủ yếu trồng những cây trồng ngắn ngày như đậu đỗ, mè, mía. Nhận thấy hiệu quả kinh tế của cây vải, từ năm 2017 đến năm 2020 gia đình chị đã chuyển đổi 4 ha sang trồng vải u hồng, đồng thời đầu tư hệ thống tưới nước tự động trên diện tích 7 ha cây ăn trái gồm bưởi, cam, quýt, vải… Theo chị Mùi, trồng vải chỉ vất vả 2 - 3 năm đầu, từ năm thứ tư cây vải bắt đầu cho bói thì đỡ vất vả hơn. Bên cạnh đó, tuổi thọ của cây có thể kéo dài từ 25 - 30 năm nên không mất thêm chi phí đầu tư. Ước tính 2 ha vải năm đầu thu bói gia đình chị thu được 2 tấn quả; với mức giá khoảng 25.000 – 30.000 đồng/kg như hiện tại, sau khi trừ chi phí, gia đình chị lãi khoảng 40 triệu đồng. Bên cạnh đó, gia đình chị Mùi và một số hộ dân trong xã còn chiết cành bán giống, với giá 25.000 đồng/bầu.

Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện M’Drắk, những năm qua nhiều nông dân trên địa bàn huyện đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích kém hiệu quả sang trồng cây vải thiều giống u hồng, u trứng. Đến nay, huyện M’Drắk có 162,7 ha vải; tập trung ở các xã Ea Pil 115,7 ha, Cư Prao 35 ha, Cư Króa 12 ha. Theo đánh giá, cây vải ở huyện M’Drắk phù hợp với thổ nhưỡng, thường ra trái vụ so với các tỉnh phía Bắc, chất lượng và sản lượng tương đối cao nên rất được ưa chuộng.

Mỹ Sự - Thúy Diệp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.