Multimedia Đọc Báo in

Doanh nghiệp "sống an toàn" trước dịch bệnh COVID-19

08:25, 18/05/2021

Dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, có nguy cơ lây lan cao, nhất là những nơi tập trung nhiều lao động như cơ sở sản xuất ở các khu, cụm công nghiệp. Vì vậy, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động trên tinh thần vừa chống dịch hiệu quả, vừa bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, các đơn vị đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như yêu cầu người lao động đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, khai báo y tế hằng ngày, khử khuẩn, bảo đảm giãn cách… tại nơi làm việc.

Nhà máy Buôn Ma Thuột – Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên (Cụm Công nghiệp Tân An) yêu cầu toàn bộ công nhân lao động đeo khẩu trang khi đến nơi làm việc; đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn tại cửa ra vào nhà máy; không nói chuyện riêng, tụ tập đông vào giờ giải lao, giờ ăn… Cùng với đó là bố trí, sắp xếp lại các phân xưởng sản xuất cũng như khu vực nhà ăn đảm bảo khoảng cách an toàn. Giờ ăn của mỗi bộ phận được bố trí lệch nhau; đồng thời giảm số người ngồi cùng mỗi bàn ăn từ 6 người xuống 3 người, trên các bàn ăn đều được dán các thông tin về phòng, chống dịch COVID-19 để công nhân lao động chú ý. Với những công nhân đi từ vùng dịch trở về đều bắt buộc cách ly tại nhà đúng thời gian quy định.

Công nhân Nhà máy Buôn Ma Thuột - Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên đo thân nhiệt và sát khuẩn tay trước khi vào nhà máy làm việc.
Công nhân Nhà máy Buôn Ma Thuột - Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên đo thân nhiệt và sát khuẩn tay trước khi vào nhà máy làm việc.

Công ty Cổ phần Thép Đông Nam Á (Khu công nghiệp Hòa Phú) là một trong những doanh nghiệp có quy mô lớn tại tỉnh với trên 600 công nhân lao động. Từ kinh nghiệm thực hiện “mục tiêu kép” vừa ổn định sản xuất kinh doanh, vừa phòng chống dịch hiệu quả trong năm 2020, đến đầu tháng 5-2021, khi dịch bệnh tiếp tục xuất hiện tại tỉnh Đắk Lắk, Công ty đã khẩn trương triển khai đồng bộ các biện pháp: tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh tới nhân viên, người lao động; thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn nhà xưởng, máy móc; yêu cầu cán bộ, công nhân lao động và khách hàng đến đơn vị phải đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn trước khi vào làm việc. Ở khu vực nhà ăn, các dãy bàn được lắp kính chia ra từng ô riêng nhằm ngăn sự tiếp xúc trực tiếp, bảo đảm an toàn cho mỗi người. Đơn vị còn chế tạo và lắp đặt, đưa vào sử dụng buồng khử khuẩn phục vụ người lao động nhằm bảo đảm an toàn trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Theo bà Lê Thị Tuyết Hạ, Phó Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Cổ phần Thép Đông Nam Á, công nhân lao động của công ty nắm rõ và thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19, cẩn trọng nhưng không hoang mang, không lơ là mà tập trung lao động sản xuất, nâng cao năng suất, tăng thu nhập.

Công nhân Công ty Cổ phần Thép Đông Nam Á khử khuẩn toàn thân khi vào cổng công ty.
Công nhân Công ty Cổ phần Thép Đông Nam Á khử khuẩn toàn thân khi vào cổng công ty.

Có thể nói, thực hiện “mục tiêu kép” vừa bảo đảm phòng, chống dịch bệnh, vừa nỗ lực sản xuất, kinh doanh không chỉ giúp các doanh nghiệp trụ vững mà còn góp phần giữ đà tăng trưởng kinh tế. Trên tinh thần “sống an toàn với dịch bệnh COVID-19”, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp, chủ động phòng chống dịch với quyết tâm cao. Có thể nói, sự vào cuộc quyết liệt, nghiêm túc của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và đang khẳng định tinh thần nỗ lực, quyết tâm chung tay đẩy lùi dịch COVID-19.

Ngày 13-5-2021, UBND tỉnh đã có công văn về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, cụm công nghiệp. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu người sử dụng lao động ký cam kết thực hiện đầy đủ các quy định phòng, chống dịch COVID-19; quản lý chặt thông tin người lao động ngoại tỉnh làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp…

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.