Tìm hướng phát triển bền vững cho cây dứa đồi ở Cư Drăm
Lợi nhuận cao, vốn đầu tư ít, lại hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nên diện tích cây dứa đồi ở xã vùng sâu Cư Drăm (huyện Krông Bông) tăng nhanh trong những năm gần đây. Tuy nhiên, nông dân trồng dứa đồi ở đây vẫn chưa thực sự yên tâm vì đầu ra và giá cả của dứa đang phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái.
Theo thống kê, vụ dứa năm 2021, xã Cư Drăm có gần 600 ha dứa (tăng hơn 500 ha so với năm 2016), trong đó gần 500 ha đã cho thu hoạch; năng suất ước tính từ 30 - 40 tấn/ha. Diện tích dứa này đều do người dân trồng tự phát, chưa được quy hoạch. Mùa thu hoạch dứa chính vào khoảng đầu tháng 5 âm lịch. Các hộ thu hoạch dứa vào cùng một thời điểm cộng với nhiều địa phương khác cũng vào vụ thu hoạch nên thường xuyên xảy ra tình trạng "cung vượt quá cầu", nhiều hộ gặp khó trong khâu tiêu thụ.
Do xử lý dứa ra quả sớm, trái vụ nên gia đình chị Trần Thị Hằng (thôn 1, xã Cư Drăm) đã có dứa thu hoạch bắt đầu từ tháng hai âm lịch. |
Gia đình ông Nguyễn Văn Hùng (thôn 1) có hơn 15 ha dứa đã cho thu hoạch. Những năm trước, việc thu hoạch và tiêu thụ dứa của gia đình ông rất khó khăn bởi diện tích dứa lớn, lại thu hoạch đồng loạt nên nhiều khi không thuê được công bẻ; dứa chín thu hoạch về thường bị thương lái ép giá, thậm chí không mua do thị trường bán lẻ tiêu thụ không kịp. Nhiều trà dứa đến thời điểm thu hoạch nhưng ông không dám bẻ vì sợ mang về nhà để lâu không ai mua sẽ bị hỏng. Dứa bán dễ hay khó, giá thấp hay cao phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái và các tiểu thương bán lẻ ở các chợ. Giá dứa thời điểm chính vụ chỉ đạt từ 5.000 – 10.000 đồng/quả. Hiện nay một số diện tích dứa của bà con thôn 1 đã bị nhiễm bệnh nấm dứa trắng khiến cây dứa lụi dần rồi chết.
Tháng 12-2020, Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ dứa Cư Drăm được thành lập với kỳ vọng hỗ trợ các thành viên cùng phát triển từ việc quy hoạch diện tích, tư vấn kỹ thuật đến cung cấp vật tư, đặc biệt là tìm đầu ra ổn định cho quả dứa đồi. Tuy nhiên, từ khi thành lập đến nay, 10 thành viên trong hợp tác xã vẫn "mạnh ai nấy làm"; một số doanh nghiệp đến tìm hiểu về quả dứa ở đây nhưng đến nay vẫn chưa có đơn vị nào đồng ý ký hợp đồng đặt hàng. Nguyên nhân là giống dứa mà các doanh nghiệp muốn đặt hàng là loại MD2 (giống dứa lai từ giống Queen và giống Cayen) có đặc điểm trái nhỏ, ít nước, độ chua ít, trọng lượng dưới 2 kg/quả; trong khi đó, giống dứa mà bà con xã Cư Drăm đang trồng là loại dứa Cayen, nhiều nước, quả to, có những quả đạt trọng lượng trên 4 kg.
Bà Trần Thị Len, Giám đốc Hợp tác xã dứa Cư Drăm cho hay: "Hiện nay thôn 1 và thôn 2 có gần 200 hộ trồng dứa với diện tích gần 400 ha. Diện tích dứa vẫn ngày một tăng theo hướng tự phát, không có quy hoạch, khó kiểm soát. Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ dứa Cư Drăm hiện chỉ có 10 hộ tham gia; tuy hợp tác xã đã đi vào hoạt động nhưng chưa đem lại hiệu quả. Các hộ thành viên hiện vẫn phải "tự biên tự diễn"; từ khâu mở rộng diện tích, chăm sóc, thu hoạch đến tiêu thụ đều chưa nhận được sự hỗ trợ nào".
Do trồng ít không có mối thương lái vào mua sỉ nên một số hộ trồng dứa phải đem ra chợ bán lẻ. |
Dứa Cư Drăm được đánh giá cao về tiềm năng, lợi thế và có triển vọng trở thành sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) của huyện Krông Bông. Người dân địa phương cho rằng, ở thời điểm hiện tại, cây dứa đồi mang lại lợi nhuận cao hơn các loại cây khác như cà phê, hồ tiêu, ngô lai, sắn. Tuy nhiên, để cây dứa đồi phát triển một cách bền vững, trở thành cây kinh tế chủ lực ở địa phương thì rất cần sự hỗ trợ của các cấp, các ngành trong việc quy hoạch, hỗ trợ kỹ thuật, tìm kiếm đầu ra và bồi dưỡng, nâng cao năng lực để hợp tác xã dứa hoạt động hiệu quả.
Tùng Lâm
Ý kiến bạn đọc