Bảo đảm nước tưới cho cà phê: Cần hướng đến canh tác thuận tự nhiên
Không thể phủ nhận nước là thành phần có vai trò vô cùng quan trọng, quyết định đến sự sống của cây trồng. Và với cây cà phê cũng không nằm ngoài quy luật đó. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển nhanh của cây cà phê, để giải quyết được thấu đáo vấn đề nước tưới vẫn còn là một bài toán khó.
Trồng cây rồi mới... tìm nước
Cà phê là cây công nghiệp chủ lực của Đắk Lắk, cho nên nơi nào của vùng đất này khi được cư dân đến để lập nghiệp thì cây cà phê luôn là cây được lựa chọn trồng đầu tiên. Và thậm chí, dù có rơi vào điệp khúc “chặt - trồng, trồng - chặt” thì cây cà phê cũng là sự lựa chọn lại để canh tác. Chính vì sự phát triển chủ yếu do tự phát, khai phá đất tùy tiện dẫn đến khá nhiều diện tích cà phê được trồng trong điều kiện đất đai không phù hợp, thiếu nguồn nước tưới. Trong khi đó, hạ tầng thủy lợi phát triển không theo kịp sản xuất nên không phục vụ được nhu cầu nước tưới của cây cà phê ở những vùng đất này.
Theo số liệu của Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, năm 2020, diện tích cà phê của Đắk Lắk là 209.955 ha, tăng 6.218 ha so với năm 2016. Song với diện tích cà phê hiện nay, các công trình thủy lợi mới chỉ chủ động tưới được 57.164 ha, đạt 27,46% tổng diện tích cà phê hiện có. Diện tích cà phê còn lại được sử dụng nước tưới từ nhiều nguồn như sông, suối, ao, hồ, giếng. Việc không chủ động nguồn nước tưới cho cà phê khiến sản xuất cà phê thiếu tính bền vững, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu đã và đang xảy ra làm gia tăng tình trạng cạn kiệt nguồn nước, dẫn đến nguy cơ thiếu nước tưới cho nông nghiệp, đặc biệt là cây cà phê. Chính điều này khiến câu chuyện đi tìm nước tưới cho cây cà phê luôn là sự đau đáu của người nông dân và là sự trăn trở của ngành nông nghiệp tỉnh nhà mỗi khi mùa khô đến.
Lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm trong vườn cà phê cảnh quan ở xã Ea Tân (huyện Krông Năng). |
Có rất nhiều giải pháp đã được thực thi nhằm bảo đảm cho sản xuất cà phê Đắk Lắk mang tính bền vững. Trong đó, việc đầu tư xây dựng hệ thống các công trình thủy lợi phục vụ tưới cho cà phê được xem là giải pháp hết sức cấp thiết. Từ năm 2017 đến 2019, bằng các nguồn vốn (vốn ODA, vốn ngân sách tỉnh, vốn Trung ương) trên địa bàn tỉnh đã triển khai 22/107 hồ chứa thuộc danh mục các hồ chứa nâng cấp sửa chữa (tại Nghị quyết số 153/2015/NQ-HĐND, ngày 10-7-2015 của HĐND tỉnh về việc phát triển thủy lợi trong vùng cà phê bền vững tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2015 - 2020 và định hướng đến năm 2025). Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm trên địa bàn tỉnh hiện nay đang được nhân rộng. Diện tích các loại cây trồng cạn trên địa bàn tỉnh áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm được gần 10.000 ha, trong đó diện tích cà phê được áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm gần 5.000 ha.
Hướng đến sản xuất thuận tự nhiên
Mục tiêu của Chương trình cảnh quan bền vững tỉnh Đắk Lắk đến năm 2025 là tiếp tục nhân rộng mô hình này ra các huyện khác, đưa tổng diện tích toàn vùng lên khoảng 90.000 ha. Tiến tới quản lý tài nguyên hợp lý, không gây mất rừng; nâng cao thu nhập của nông dân lên 30%...
|
Theo Tiến sĩ Phạm Công Trí, Cố vấn kỹ thuật cấp cao của Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững (IDH), nước là yếu tố quan trọng cho việc sinh trưởng và phát triển của cây trồng dù ở bất kỳ giai đoạn phát triển hay một phương pháp sản xuất nào. Điều này càng thấy rõ ở giai đoạn này, khi mà tốc độ phát triển sản xuất quá nhanh, nguồn tài nguyên nước bị sử dụng một cách bừa bãi như một yếu tố đầu vào của sản xuất mà không nghĩ đến việc tái tạo lại. Cùng với việc tàn phá các thành tố tái tạo nước như rừng, thảm thực vật… đã dẫn đến nhiều hệ lụy cho sản xuất nông nghiệp và đời sống con người, đó là hạn hán, lũ lụt ngày càng nghiêm trọng hơn.
Đã đến lúc, sản xuất nông nghiệp không chỉ hướng đến sử dụng tiết kiệm nước, phù hợp với nhu cầu của từng loại cây mà phải nghĩ đến việc bảo vệ và tái tạo nguồn nước thông qua các cách thức canh tác mà ở đó có sự cân bằng tự nhiên của các yếu tố sản xuất. Một trong những phương pháp mà IDH hướng đến là sản xuất thuận tự nhiên, xây dựng hệ sinh thái rừng trên vườn trồng. Vườn cà phê được kiến tạo đa tầng, từ cao đến thấp được bố trí một cách phù hợp, bảo đảm được sự cân bằng trong hệ sinh thái và bảo tồn được nguồn nước trong đất.
Hệ thống đa tầng tán trong vườn cà phê cảnh quan. |
Với hướng phát triển này, IDH đã thực hiện khá thành công Chương trình cảnh quan bền vững tỉnh Đắk Lắk, với diện tích 5.200 ha cà phê ở 3 xã Ea Tân, Ea Toh và Dliê Ya (huyện Krông Năng). Chương trình đã triển khai phương pháp tiếp cận theo hướng xây dựng các khu vực tiểu vùng cảnh quan, liên kết nông hộ trong cùng một khu vực để thực hiện các giải pháp đồng bộ về nước tưới, quản lý đầu vào, xây dựng vùng đệm, liên kết chuỗi giá trị sản phẩm. Sau 5 năm thực hiện (2016 - 2020) đã góp phần giảm 17% lượng nước tưới. Việc áp dụng các biện pháp thực hành canh tác bền vững cũng đã góp phần làm giảm 11% chi phí sản xuất và 10% lượng CO2 phát thải ra môi trường. Thu nhập của người nông dân trong vùng thí điểm tăng thêm 30% thông qua trồng xen và đa dạng hóa cây trồng.
Tiến sĩ Phạm Công Trí cho biết, những gì IDH đang làm là muốn hướng đến một ngành nông nghiệp không chỉ có sử dụng tiết kiệm nước mà còn phải biết cách bảo vệ và tái tạo nguồn nước. Một khi đã xây dựng được hệ sinh thái rừng trong sản xuất thì người dân không phải loay hoay với câu chuyện nước tưới; Nhà nước cũng không phải đổ quá nhiều kinh phí cho việc đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi. Bởi bản thân hệ sinh thái rừng trong sản xuất có khả năng tự “phục vụ” các nhu cầu của cây trồng (về nước, phân bón) và nó thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, sản phẩm nông nghiệp sẽ mang lại giá trị cao vì nó phù hợp với xu thế tiêu dùng của thế giới.
Minh Thuận