Multimedia Đọc Báo in

Hỗ trợ việc làm cho lao động nữ người dân tộc thiểu số

08:13, 22/06/2021

Nhờ công việc tách vỏ hạt điều từ Hợp tác xã (HTX) Thương mại dịch vụ Hải Anh của chị Nguyễn Thị Luyến (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột), nhiều lao động nữ người dân tộc thiểu số đã có thêm chi phí trang trải sinh hoạt, giảm bớt khó khăn do thiếu việc làm.

Vốn là lao động tự do nên trong đợt dịch COVID-19 bùng phát đầu năm 2020, chị H’Djuôn H’Mok (buôn Tiêu, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) không có việc làm. Được người quen giới thiệu, chị H’Djuôn tìm đến cơ sở bóc tách hạt điều của chị Luyến nhận hạt điều về gia công tại nhà. Khi nhận hạt điều về, chị dùng dao nhỏ cạo tỉa thật sạch những phần vỏ còn sót lại, trả thành phẩm và nhận tiền công. Công việc tuy đơn giản, không vất vả nhưng lại cần sự kiên nhẫn và khéo léo để đảm bảo hạt điều đẹp, ít hao nhân.

Thấy công việc nhẹ nhàng, không bị gò bó về thời gian, chị giới thiệu cho nhiều phụ nữ trong buôn cùng làm để có thêm thu nhập. Tùy thuộc thời điểm, nhóm bóc vỏ hạt điều tại buôn Tiêu dao động từ 50 – 100 người đủ các độ tuổi. Phần lớn là phụ nữ đang nuôi con nhỏ, phụ nữ lớn tuổi không có việc làm và cả các thanh thiếu niên làm thêm trong những ngày cuối tuần hoặc dịp nghỉ hè. Chị H’Djuôn vừa tách vỏ hạt điều, vừa quản lý nhóm lao động tại buôn với nhiệm vụ cấp nguyên liệu cho bà con, nhận thành phẩm và thanh toán tiền công. Mỗi tháng, thu nhập của chị dao động từ 3 – 4 triệu đồng.

Chị Nguyễn Thị Luyến (bìa phải), Chủ tịch HĐQT HTX Thương mại dịch vụ Hải Anh hướng dẫn các chị em  tách vỏ hạt điều.
Chị Nguyễn Thị Luyến (bìa phải), Chủ tịch HĐQT HTX Thương mại dịch vụ Hải Anh hướng dẫn các chị em tách vỏ hạt điều.

Chị H’Noan Bkrông (buôn Cư Bông, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) cũng đã quen thuộc với công việc tách vỏ hạt điều gần 8 năm qua. Chị chia sẻ: Gia đình chị canh tác cà phê và lúa nước. Tuy nhiên, do diện tích ít, việc nhà nông lại mang tính thời vụ nên chị tranh thủ thời gian rảnh để tách vỏ hạt điều. Vì làm tại nhà và hưởng tiền công theo lượng thành phẩm nên hoàn toàn có thể chủ động được công việc gia đình. Mỗi tháng, công việc tách vỏ hạt điều mang lại cho chị thu nhập từ 1 - 2 triệu đồng, góp phần cải thiện đời sống gia đình.

Mô hình các tổ nhóm tách vỏ hạt điều được chị Nguyễn Thị Luyến triển khai hơn 8 năm qua. HTX hiện có 45 tổ nhóm tại các buôn dân tộc thiểu số ở các huyện Buôn Đôn, Cư Kuin, Cư M’gar và TP. Buôn Ma Thuột với khoảng 2.000 lao động. Mỗi tháng, HTX nhận gia công hơn 100 tấn hạt điều từ các doanh nghiệp ở tỉnh Bình Phước để phục vụ xuất khẩu.

Chị Luyến cho biết, công việc này mang lại thu nhập bình quân khoảng 100 nghìn đồng/ngày cho một lao động nữ. Tuy mức thu nhập không cao như những công việc khác nhưng chị em lại hoàn toàn chủ động bố trí thời gian phù hợp với điều kiện của bản thân hoặc xem như một công việc phụ ngoài giờ lao động chính. Công việc không nhiều áp lực, không yêu cầu cao về mặt kỹ thuật nên phù hợp với điều kiện ở các buôn dân tộc thiểu số, nơi có nhiều lao động yếu thế, lao động tự do.

Hiện, HTX đang liên kết với 5 doanh nghiệp sản xuất hạt điều tại tỉnh Bình Phước và dự định mở rộng liên kết để tăng lượng hàng gia công hằng tháng. Do đó, các thành viên của HTX đang nỗ lực vận động, hướng dẫn người dân các buôn thành lập nhóm lao động mới, để đảm bảo hoạt động của HTX cũng như góp phần giảm tỷ lệ lao động nhàn rỗi, thất nghiệp ở các buôn dân tộc thiểu số.

Đinh Nga

 


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.