Hội LHPN huyện Cư Kuin hỗ trợ hội viên khởi nghiệp
Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Cư Kuin đã tích cực hỗ trợ hội viên tiếp cận các nguồn vốn, khởi nghiệp sản xuất kinh doanh nhằm vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo.
Hội LHPN huyện Cư Kuin hiện có 17.628 hội viên, sinh hoạt tại 113 chi hội thôn, buôn. Bà Bùi Thị Lộc, Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của Hội thời gian qua.
Để làm tốt nhiệm vụ này, các cấp hội đã tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo bước chuyển mạnh mẽ trong lối nghĩ, cách làm, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh; đồng thời triển khai các hoạt động hỗ trợ hội viên, phụ nữ tiếp cận thị trường, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Các cấp hội cũng đẩy mạnh triển khai phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình; xây dựng các mô hình giúp phụ nữ thoát nghèo bền vững; phụ nữ chung sức xây dựng nông thôn mới...
Chị Lân điều khiển máy rang xay cà phê tự động. |
Từ đầu năm 2021 đến nay, Hội LHPN huyện Cư Kuin đã hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho 11 hội viên với số vốn gần 700 triệu đồng... Ngoài ra, Hội còn phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức 3 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt cho 94 hội viên. Nhờ được tạo điều kiện, nhiều chị em đã đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo.
Năm 2019, gia đình chị Lê Thị Lân (ở thôn 9, xã Ea Bhốk) có ý định mở cơ sở rang xay cà phê song vì kinh nghiệm ít ỏi, nguồn vốn eo hẹp nên chị đành gác lại. Đầu năm 2020, chị mạnh dạn đề xuất ý tưởng khởi nghiệp với Hội LHPN huyện.
Đến tháng 5-2020, gia đình chị Lân được Hội LHPN huyện hỗ trợ 50 triệu đồng từ nguồn vốn khởi nghiệp; cùng với số vốn tích góp của gia đình, chị đầu tư mở cơ sở rang xay cà phê chất lượng cao VT Coffee với số vốn gần 1 tỷ đồng. Để có được sản phẩm có chất lượng đến tay khách hàng, cà phê nhân sống được chị thu mua tại các cơ sở sản xuất cà phê đảm bảo thu hoạch chín trên 90%, được phơi trên giàn.
Cùng với đó, chị đầu tư máy rang xay cà phê nguyên chất, không sử dụng các chất phụ gia trong quá trình rang xay. Qua thời gian, chị dần tích lũy kinh nghiệm trong căn chỉnh nhiệt độ phù hợp khi rang xay từng loại cà phê nhằm giữ được mùi vị nguyên bản của cà phê. Với định hướng phát triển lâu dài, chị Lân đã xây dựng thương hiệu, mã vạch, chứng nhận tiêu chuẩn cơ sở nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường và niềm tin cho khách hàng.
Hiện nay mỗi tháng chị xuất bán ra thị trường khoảng 10 tấn cà phê rang xay và 10 tấn cà phê nhân sống. Từ cơ sở sản xuất rang xay cà phê chất lượng cao, mỗi năm gia đình chị có thu nhập gần 400 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Chị H’Thủy (bên phải) cùng thành viên trong tổ hoàn thành các sản phẩm may mặc. |
Được Hội LHPN huyện Cư Kuin hỗ trợ 40 triệu đồng từ nguồn vốn khởi nghiệp, tháng 5-2020 Tổ hợp tác may mặc do chị H’Thủy Byă (ở buôn Ea Tlal, xã Dray Bhăng) làm tổ trưởng được thành lập gồm 4 thành viên, với hình thức nhận hàng gia công từ TP. Hồ Chí Minh và nhận đo may theo yêu cầu của khách hàng. Hằng ngày, ngoài thời gian lên nương rẫy, mỗi tối các thành viên trong tổ lại tập trung tại nhà chị H’Thủy để đo, may, cắt ráp sản phẩm. Mỗi tháng tổ hợp tác may mặc cắt may đo, lắp ráp gần 1.300 bộ đồ; mang lại nguồn thu nhập tăng thêm cho mỗi thành viên gần 3 triệu đồng/tháng.)
Mỹ Hằng