Phát triển nhãn hàng riêng: Lợi cả đôi đường
Nhãn hàng riêng của các nhà bán lẻ xuất hiện trên thị trường không chỉ giúp người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn mà đây cũng được xem là một kênh phân phối hàng Việt hiệu quả.
Theo các chuyên gia về bán lẻ, nhãn hàng riêng là xu thế tất yếu đối với sự phát triển của kênh bán lẻ hiện đại. Việc phát triển nhãn hàng riêng mang lại "hiệu quả kép", bởi không chỉ người tiêu dùng được hưởng ưu đãi khi sử dụng nhãn hàng riêng nhờ giá rẻ, chất lượng tốt mà còn giúp nhà sản xuất có thêm đơn hàng.
Tại các siêu thị trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột hiện có hàng nghìn sản phẩm mang nhãn hàng riêng được bày bán với giá ưu đãi để thu hút khách hàng. Nhãn hàng riêng hầu như có mặt ở tất cả các ngành hàng, từ thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống, hóa phẩm đến đồ dùng gia đình, may mặc… Nhiều siêu thị khẳng định, từ năm 2020 đến nay, doanh thu bán lẻ bị ảnh hưởng khá nặng nề do dịch bệnh COVID-19, nhưng riêng nhóm nhãn hàng riêng vẫn có sự tăng trưởng tốt.
Khách chọn mua sản phẩm mang nhãn hàng riêng tại Siêu thị Cop.opMart Buôn Ma Thuột. |
Theo đánh giá của các siêu thị, khi làm nhãn hàng riêng nghĩa là nhà phân phối cũng chính là nhà cung cấp nên tiết giảm được chi phí quảng cáo, phân phối, tiếp thị… Nhờ đó, sản phẩm thường có giá rẻ hơn từ 5 - 15% so với sản phẩm cùng chủng loại trên thị trường và dễ thu hút người mua.
|
Tại Siêu thị Co.opMart Buôn Ma Thuột, nhãn hàng riêng được coi là mặt hàng có lợi thế cạnh tranh của siêu thị, thu hút lượng người mua khá nhiều, ngay cả những thời điểm xảy ra dịch bệnh. Bà Trần Thị Thành Nhân, Phó Giám đốc siêu thị cho hay, nhãn hàng riêng tạo ra sự khác biệt giữa các nhà bán lẻ và tăng sức cạnh tranh với những sản phẩm cùng loại trên thị trường. Ở khâu cung ứng, siêu thị đặt hàng các nhà sản xuất làm ra sản phẩm mang thương hiệu riêng để bán với sự cam kết và kiểm duyệt khắt khe về chất lượng, đóng gói bao bì. Nhờ đó nên ngoài ưu đãi về giá bán, siêu thị còn chủ động được nguồn hàng, nắm được xu hướng tiêu dùng, thị hiếu khách hàng và biết rõ nên đầu tư vào mặt hàng nào để thu hút sự quan tâm của khách hàng. Đơn cử như đợt dịch COVID-19 đầu tiên bùng phát trên địa bàn tỉnh hồi năm 2020, thị trường có lúc "loạn" giá khẩu trang và người dân khó tiếp cận nguồn khẩu trang đạt chuẩn, Co.opMart đã kịp thời cung ứng ra thị trường hàng nghìn chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn, gel, nước rửa tay phòng dịch mang thương hiệu Select - nhãn hàng riêng của siêu thị và tổ chức giảm giá liên tục. Điều này đã góp phần hạ “cơn sốt” giá khẩu trang trên địa bàn, củng cố niềm tin với người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm bán ra.
Còn tại Siêu thị MM Mega Buôn Ma Thuột, các nhãn hiệu riêng của siêu thị này cũng có lượng khách hàng mua sắm nhất định, nhất là từ lúc dịch bùng phát đến nay. Siêu thị có 8 nhãn hàng riêng, có mặt từ ngành hàng thực phẩm đến phi thực phẩm, từ dòng bình dân đến cao cấp. Ở ngành hàng thực phẩm có các nhãn hiệu: We Are Fresh, Big Meal và Mari Far; văn phòng phẩm, may mặc có Happy Price, MM Basic, Favio… Theo đại diện MM Mega Buôn Ma Thuột, nhãn hàng riêng đang chiếm tỷ trọng hơn 4% trong tổng số hơn 61.000 sản phẩm đang bán tại siêu thị.
Trên thực tế, người tiêu dùng ngày càng cẩn trọng hơn trong mua sắm. Họ quan tâm nhiều đến nhãn mác, bao bì, chất lượng sản phẩm đã chọn mua. Theo nhiều bà nội trợ, nếu tìm hiểu kỹ sẽ thấy, việc lựa chọn nhãn hàng riêng đem lại hiệu quả cao trong tiết kiệm chi tiêu, nhưng chất lượng không hề giảm. Chị Nguyễn Thị Lý (phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, khi mua sắm, chị thường ưu tiên chọn mua nhãn hàng riêng của các siêu thị, nhất là sản phẩm hóa mỹ phẩm, nước giặt, rửa… Các nhãn hàng này giá rẻ, chất lượng bảo đảm, lại hay có chương trình ưu đãi riêng biệt nên có lợi hơn cho chị trong chi tiêu.
Nhãn hàng riêng bày bán tại Siêu thị MM Mega Buôn Ma Thuột nhận được sự quan tâm của nhiều người tiêu dùng. |
Có thể thấy, thị trường nhãn hàng riêng đang được các siêu thị, nhà bán lẻ trong nước khai thác khá tốt và dần tạo niềm tin, chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng. Phát triển nhãn hàng riêng trở thành một trong những chiến lược của các nhà bán lẻ bởi lợi thế cạnh tranh, phần lớn các nhóm hàng có sự tăng trưởng tốt đều đã xuất hiện nhãn hàng riêng. Về phía nhà sản xuất, khi làm nhãn hàng riêng là đã tự cạnh tranh với chính sản phẩm của mình. Do đó, buộc họ phải đổi mới mẫu mã, bao bì, xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng để cạnh tranh “song hành" cùng với những sản phẩm mang thương hiệu của nhà bán lẻ. Sự cạnh tranh lành mạnh này sẽ thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo ra những sản phẩm tốt hơn để cung ứng cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên về lâu dài, để nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng, thiết nghĩ các nhà bán lẻ cần lưu ý siết chặt kiểm soát hơn nữa về chất lượng, nhất là các mặt hàng đặt gia công từ cơ sở sản xuất. Đặc biệt, trong bối cảnh nông sản khó tiêu thụ hiện nay do tác động tiêu cực của dịch bệnh, các siêu thị cần hướng đến tập trung phát triển nhãn hàng phân phối đối với các sản phẩm vùng, miền, các sản phẩm mùa vụ, sản phẩm tươi sống đặc trưng tiêu dùng mang đậm văn hóa Việt. Với lợi thế phân phối sẵn có của chuỗi siêu thị thì đây sẽ là giải pháp góp phần tiêu thụ nông sản Việt, phát triển đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, nhất là đối với nông sản của bà con nông dân.
Đỗ Lan