Multimedia Đọc Báo in

Phát triển vùng nguyên liệu quả vải: Cần có chiến lược cụ thể

08:17, 10/06/2021

Cây vải là một trong những loại cây ăn trái đang mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Đắk Lắk, tuy nhiên, để phát huy được lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm thì còn rất nhiều điều phải làm.

Lợi thế lớn nhất của cây vải ở Đắk Lắk là luôn chín sớm hơn vụ vải ở các tỉnh phía Bắc khoảng một tháng (vào tháng 4, tháng 5) và chất lượng thì không thua kém nên đầu ra khá ổn định. Chính vì vậy, những năm gần đây, cây vải được nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh lựa chọn để phát triển, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị

Theo Sở NN-PTNT, hiện toàn tỉnh có 1.313 ha vải, tập trung chủ yếu ở các huyện Ea Kar, Krông Pắc, Krông Năng, M’Drắk, thị xã Buôn Hồ…, chủ yếu phát triển tự phát, do nông dân thấy hiệu quả kinh tế nên tự chuyển đổi trên đất của mình. Vì vậy, việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, thu hái, bảo quản sản phẩm, cũng như phát triển cây giống vẫn “mạnh ai nấy làm”.

Nhìn nhận được những hạn chế đó, huyện Ea Kar, một trong những địa phương có diện tích vải lớn của tỉnh, đã chủ động hình thành liên kết trong sản xuất chuỗi vải, nhãn. Các HTX, tổ hợp tác đã liên kết khoảng 300 hộ, với diện tích 300 ha theo quy trình VietGAP, giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm từ 10 – 15%.

Nông dân xã Ea Sar (huyện Ea Kar) chuyển đổi vườn cà phê sang trồng cây vải mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nông dân xã Ea Sar (huyện Ea Kar) chuyển đổi vườn cà phê sang trồng cây vải mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND huyện Ea Kar cho biết, diện tích cây vải trên địa bàn huyện là 700 ha (giống u hồng và u trứng), trong đó diện tích cho thu hoạch 500 ha; năng suất đạt 15 tấn/ha, sản lượng đạt 7.500 tấn/năm. Số hộ có diện tích bình quân từ 0,5 – 10 ha chiếm 70% diện tích cây vải hiện có trên địa bàn, vì vậy liên kết tạo thành vùng nguyên liệu có ý nghĩa rất lớn cho việc sản xuất hàng hóa. Trong thời gian tới, huyện Ea Kar sẽ quy hoạch phát triển khoảng 5.000 ha cây vải, nhãn và sẽ trở thành vùng chuyên canh của vùng Tây Nguyên. Đồng thời, nhân rộng các mô hình liên kết chuỗi; ứng dụng khoa học công nghệ và tổ chức sản xuất theo quy trình VietGAP, Global GAP đạt 80% diện tích hiện có; tăng cường thu hút đầu tư và xúc tiến thương mại để đưa quả vải ra thị trường nước ngoài…

Sở NN-PTNT cho biết, đến thời điểm này, riêng cây vải Đắk Lắk đã được cấp 9 mã vùng trồng, với tổng diện tích 110 ha, tập trung ở huyện Krông Năng. Hiện Sở đang tiếp tục hướng dẫn các địa phương về trình tự thủ tục để đề nghị cấp thêm mã vùng trồng cho cây vải ở các địa phương khác.

Ngoài huyện Ea Kar, các địa phương trồng vải khác cũng bắt đầu đẩy mạnh việc liên kết chuỗi để nông dân làm ra những sản phẩm chất lượng tốt hơn, với giá trị cao hơn. Đơn cử như các huyện Krông Pắc, Krông Năng, Krông Ana… đều thành lập được các HTX, tổ hợp tác, vừa liên kết các hộ nông dân trồng vải để hình thành vùng nguyên liệu lớn, vừa liên kết với doanh nghiệp để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Hướng đến thị trường xuất khẩu

Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương cho hay, hiện quả vải là một trong 9 loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và đây hiện không còn là thị trường dễ tính nữa mà đã có những “hàng rào” kỹ thuật nhất định. Đó là, quả tươi nhập vào nước này bắt buộc phải có thông tin truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Điều quan trọng nữa là hiện nay Việt Nam hội nhập sâu rộng và toàn diện trên các lĩnh vực, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, có độ cam kết lớn hơn, rộng hơn, ngoài thương mại nó còn liên quan đến vấn đề lao động, trí tuệ, sở hữu… và nó có hiệu lực ngay tức thì. Chính vì vậy quả vải của Đắk Lắk không chỉ cạnh tranh với quả vải trong nước mà còn cạnh tranh với các nước có cùng sản phẩm. Mặc dù, quả vải Đắk Lắk đang không đủ cung ứng cho thị trường, nhưng trên thực tế mới tiêu thụ nội địa, sản phẩm còn thiếu rất nhiều điều kiện cần cho xuất khẩu. Do đó, ngành nông nghiệp phải định hướng sâu hơn về cách thức, quy mô sản xuất cho bà con nông dân và phải bảo đảm tổ chức sản xuất sản phẩm có chất lượng thì ngành công thương mới thương mại được sản phẩm.

Nông dân xã Ea Na (huyện Krông Ana) thu hoạch vải . Ảnh: Vân Anh
Nông dân xã Ea Na (huyện Krông Ana) thu hoạch vải . Ảnh: Vân Anh

Ông Lê Văn Thành, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật chia sẻ, chúng ta không thể sản xuất quả vải để tiêu dùng trong nước mãi được. Ngay từ bây giờ, các ngành, địa phương liên quan cần xây dựng một lộ trình xuất khẩu sản phẩm quả vải tươi, quả vải chế biến, mà trước hết là tổ chức khâu sản xuất thật tốt để tạo được những sản phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện Sở NN-PTNT đã hướng dẫn các huyện trọng điểm trồng vải rà soát, thống kê diện tích trên địa bàn để đề nghị Cục Bảo vệ thực vật xem xét cấp mã vùng trồng cho quả vải Đắk Lắk nhằm tạo điều kiện cho quả vải của tỉnh được xuất khẩu theo yêu cầu của các nước nhập khẩu.

Hiện nay, ngoài thị trường Trung Quốc, mặt hàng trái cây nói chung, quả vải nói riêng cũng đang hướng tới thị trường châu Âu. Và để tham gia được những thị trường này, ngành công thương đang tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp; nắm bắt các yêu cầu của thị trường và trên cơ sở đó mới định hướng sản xuất cho sản phẩm để kết nối thị trường thuận lợi hơn. Ngoài ra, một trong những yếu tố quan trọng để sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường là xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Do đó, Sở Công thương cũng đang hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu để phát triển thị trường.

Thuận Nguyễn


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.