Multimedia Đọc Báo in

Triển vọng từ chăn nuôi dê ở Ea Kpam

08:15, 23/06/2021

Xã Ea Kpam (huyện Cư M'gar) có nhiều điều kiện để phát triển chăn nuôi, trong đó có nuôi dê nhốt chuồng. Tận dụng lợi thế có sẵn, cấp ủy, chính quyền địa phương đã chủ trương phát triển mạnh chăn nuôi dê. Hướng đi này đang cho thấy những tín hiệu tích cực.

Gần đây, phong trào nuôi dê phát triển rộ lên trong xã, nhà ít thì vài chục con, nhiều thì có cả đàn hàng trăm con. Nhiều hộ khá giả nhờ đầu tư chuồng trại chăn nuôi dê. Theo các hộ chăn nuôi, cái lợi của việc nuôi dê là con cái sinh sản nhanh, ít dịch bệnh, đặc biệt có thể bán được giá hơn những vật nuôi khác nên có lãi cao.

Nhận thấy mô hình nuôi dê khá thuận lợi, khả năng thu hồi vốn  trong thời gian ngắn, năm 2018, anh Nguyễn Trung Hiếu (thôn 1) bàn với vợ gây dựng kinh tế bằng nghề nuôi dê. Anh bỏ ra gần 300 triệu đồng để đầu tư chuồng trại.

Ban đầu, anh nuôi 200 con dê. Vừa làm, anh vừa tìm hiểu thêm kinh nghiệm từ bạn bè, qua sách báo, mạng Internet, nên đàn dê của gia đình phát triển nhanh. Thấy chăn nuôi bước đầu thuận lợi, anh phát triển đàn, tiếp tục theo đuổi ước mơ làm giàu. Dê sinh sản đến đâu, anh để nuôi đến đấy. Nhờ có kỹ thuật chăm sóc tốt, tích cực nhân giống, đàn dê của gia đình không ngừng tăng.

Cao điểm có lúc đàn dê của gia đình anh Hiếu lên đến 700 con. Hết lứa này đến lứa khác, chuồng trại của anh hiện có cả dê thịt và dê giống. Dê giống nuôi hơn 100 ngày, cân nặng 25 - 30 kg là đã có thể xuất chuồng. So với các loài vật nuôi khác thì dê bán khá được giá, ở mức 105.000 - 140.000 đồng/kg. Nghề nuôi dê mang về cho gia đình anh thu nhập khoảng 1 tỷ đồng/năm, sau khi đã trừ hết chi phí.

Anh Nguyễn Trung Hiếu (thôn 1, xã Ea Kpam) làm giàu từ nghề nuôi dê.
Anh Nguyễn Trung Hiếu (thôn 1, xã Ea Kpam) làm giàu từ nghề nuôi dê.
Ông Phạm Hữu Lộc, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Kpam cho biết: “Xã Ea Kpam đang từng bước xây dựng sản phẩm thịt dê đủ điều kiện để tham gia vào Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhằm góp phần nâng cao sức cạnh tranh và nâng tầm thương hiệu cho sản phẩm lợi thế của địa phương”.

Tương tự, hộ ông Phan Đình Hùng (thôn 1) cũng chọn mô hình nuôi dê làm hướng cải thiện kinh tế gia đình. Ông cho dê ăn cỏ tươi, lá cây hái ngoài tự nhiên, thân cây bắp sau thu hoạch, bắp hạt... Nuôi theo cách này, dê được chăm sóc tốt nên mau lớn, con nào cũng mập, khỏe nên bán nhanh và được giá. Quan trọng hơn, ông còn tận dụng được nguồn phân chuồng để bón cho vườn cà phê. Ông Hùng chia sẻ, từ chỗ nguồn thu của gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào cà phê thì nay với gần 50 con dê trong chuồng, ông đã tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình khoảng vài chục triệu đồng/năm .

Chăn nuôi dê đang trở thành phong trào phát triển mạnh ở xã Ea Kpam. Mô hình này mở ra hướng mới giúp nhiều nông dân nâng cao thu nhập, vươn lên ổn định cuộc sống. Theo ông Phạm Hữu Lộc, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Kpam, qua thực tế chăn nuôi ở địa phương cho thấy, mô hình nuôi dê nhốt chuồng rất dễ thực hiện, tận dụng được công nhàn rỗi, lại thu hồi vốn nhanh, giúp cải thiện đáng kể thu nhập cho người dân. 4 năm qua, mô hình nuôi dê phát triển mạnh trên địa bàn, chủ yếu chăn nuôi theo hình thức nhốt chuồng. Dê bán ra được giá cao, lại giúp bà con nông dân tận dụng được nguồn phân để bón cho vườn cây nên nhiều hộ đã mua thêm con giống về nuôi, mở rộng đàn. Hiện toàn xã có hơn 40 hộ đầu tư vào nghề nuôi dê.

Hộ ông Phan Đình Hùng (thôn 1, xã Ea Kpam) có thêm thu nhập đáng kể từ nghề nuôi dê
Hộ ông Phan Đình Hùng (thôn 1, xã Ea Kpam) có thêm thu nhập đáng kể từ nghề nuôi dê

Trên đà đó, chính quyền xã Ea Kpam đang từng bước vận động các hộ nuôi dê tham gia vào Hợp tác xã chăn nuôi trên địa bàn để xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao kỹ thuật sản xuất cho các thành viên nhằm tăng lợi nhuận trong chăn nuôi, phát triển sản xuất theo hướng bền vững. Từ mô hình này, kỳ vọng sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm thu nhập, việc làm cho người dân khu vực nông thôn.

Trâm Anh


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.