Multimedia Đọc Báo in

Ưu tiên dùng hàng Việt thời COVID-19

08:09, 08/06/2021

Dịch bệnh COVID-19 đang tạo ra nhiều khó khăn, thách thức mới cho doanh nghiệp (DN). Trong bối cảnh đó, nhiều người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn, ủng hộ các sản phẩm hàng Việt uy tín.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội Hàng Việt Nam chất lượng cao thông tin, DN Việt đang đứng trước tình thế hết sức khó khăn khi lượng hàng tồn kho cao, nhà phân phối từ chối nhận hàng vì không bán được, sức mua trên thị trường giảm sút.

Người dân chọn mua hàng Việt tại Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột.
Người dân chọn mua hàng Việt tại Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột.

Hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều người tiêu dùng đã ưu tiên chọn mua hàng nội, góp phần giúp các DN trong nước vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt. Hơn một năm trở lại đây, dễ dàng nhận thấy xu hướng quay trở lại chuộng hàng Việt của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.

Theo nhiều người, họ chọn mua hàng Việt trước hết vì ủng hộ DN nội khi cả nước đồng lòng quyết tâm vượt qua khó khăn do dịch bệnh. Chị Nguyễn Thị Phương (phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: “Mỗi ngày đi mua sắm, ưu tiên số 1 của tôi vẫn luôn là hàng Việt, trước hết để ủng hộ DN nội, tạo cơ hội cho họ phục hồi sản xuất. Bởi DN trong nước đang rất cần được sự “tiếp sức” của người tiêu dùng Việt”.

Theo đại diện nhiều siêu thị đứng chân trên địa bàn tỉnh, hiện tỷ lệ hàng Việt Nam bày bán chiếm hơn 90% hàng hóa trong các siêu thị. Việc lựa chọn sản phẩm hàng Việt đang trở thành xu hướng tiêu dùng của nhiều người, nhất là trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp, tinh thần ủng hộ hàng Việt ngày càng tăng cao.

Trên thị trường, dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng các mặt hàng sản xuất trong nước không có biến động về giá. Hàng hóa ở siêu thị khá dồi dào, đủ loại, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.

Ngoài các thương hiệu lớn trong nước thì ngay cả hàng sản xuất tại Đắk Lắk cũng không thiếu hàng hóa chất lượng tốt, uy tín như: cà phê bột An Thái, cà phê Phượng, nấm Hà Hương, gạo Ea Súp, gạo 721, giò chả Lan Liễu, giò chả bà The, bơ sáp DAKADO, bánh tráng Ea Bar… Tất cả đều không có hiện tượng khan hàng, tăng giá.

Bà Trần Thị Thành Nhân, Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột cho hay, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, siêu thị đã liên kết với các DN, nhà sản xuất chủ động nắm bắt nhu cầu thị trường để có kế hoạch cung ứng nguồn hàng bảo đảm đủ, phong phú, không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng thiết yếu và cam kết mức giá ổn định. Đồng thời, nỗ lực triển khai nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá để kích thích sức mua trong mùa dịch, góp phần đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng địa phương.

Điều này càng khiến người dân yên tâm mua sắm. Chị Phạm Thị Sương (người tiêu dùng ở thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar) cho biết, những ngày nghỉ làm, ở nhà phòng chống dịch, chị ưu tiên chọn hình thức mua hàng và giao tận nơi của siêu thị trên địa bàn. Hàng Việt bán ở đây có nhiều mẫu mã, chất lượng không thua kém gì hàng ngoại, đặc biệt là có nhiều ưu đãi liên tiếp được triển khai, giúp chị tiết kiệm hơn trong mua sắm.

Ông Trần Trọng Lưu, Trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương thông tin, Sở đang tích cực triển khai các hoạt động thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt như: vận động các DN nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm; thông qua trang thông tin điện tử của Sở Công thương cung cấp thông tin, quảng bá về sản phẩm, hàng hóa của các DN trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ DN khảo sát thị trường, xúc tiến quảng bá sản phẩm; tích cực vận động người dân ưu tiên dùng hàng Việt…

Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả người tiêu dùng và người sản xuất, động viên các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tiêu thụ hàng Việt, giúp DN vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Bánh kẹo sản xuất trong nước được bày bán chiếm số lượng lớn tại chợ  Trung tâm Buôn Ma Thuột.
Bánh kẹo sản xuất trong nước được bày bán chiếm số lượng lớn tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột.

Mới đây, Ban Bí thư đã có Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 19-5-2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới. Chỉ thị nêu rõ: Cuộc vận động là một giải pháp cần thiết, quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn hiện nay. Do đó, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm như: đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng Việt; tích cực hỗ trợ DN Việt sản xuất hàng hóa có chất lượng, mẫu mã đẹp, giá phù hợp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thương mại điện tử và các kênh phân phối hiện đại… nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện cuộc vận động này trong thời gian tới.

Có thể nói, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” càng khẳng định là giải pháp đúng đắn để phát huy nội lực, đưa nền kinh tế phát triển, khơi dậy niềm tự tôn dân tộc và đoàn kết vượt qua thử thách trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, giúp DN tạo thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ có chất lượng tốt hơn, nâng cao sức cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập.

Đỗ Lan


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.