Multimedia Đọc Báo in

Vững tin nơi miền biên viễn (kỳ 2)

08:17, 01/06/2021

Sức sống mới trên vùng đất khó

Thành quả đạt được sau 20 năm xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh tại địa bàn vùng  biên Ea Súp là hết sức lớn lao. Bên cạnh chủ quyền biên giới được giữ vững nhờ những “cột mốc sống” thì diện mạo đời sống của người dân ở đây cũng có nhiều khởi sắc.

Đại tá Nguyễn Thế Thái, Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế - quốc phòng 737 (Đoàn 737) chia sẻ: Đến nay, vùng biên này đã và đang được các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương đầu tư xây dựng, hoàn thiện nhiều công trình hạ tầng cơ sở thiết yếu nhằm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cụ thể về hạ tầng giao thông, trên địa bàn hai xã Ia Lốp và Ia R'vê có Quốc lộ 14C với chiều dài gần 80 km được nâng cấp và nối vùng biên này với thị tứ Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông), sau đó nhập vào Quốc lộ 14 để xuôi về Bình Phước và nhiều tỉnh thành Nam Bộ. Đường nội vùng, liên xã, liên thôn cũng được đổ nhựa và bê tông hóa gần 100%, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại sản xuất, lưu thông hàng hóa của người dân.

Điện lưới quốc gia được kéo đến 32/32 thôn của 2 xã với 112 km đường dây trung, hạ thế và 16 trạm biến áp có tổng công suất 2.300 kVA. Cơ sở đào tạo - giáo dục ngày càng được mở rộng, kiện toàn theo hướng hiện đại hơn ở các cấp học, đáp ứng nhu cầu dạy và học cho con em người dân.

Hoạt động  thể dục giữa giờ  của  học sinh Trường THCS Nguyễn  Thị Định (xã Ia R'vê, huyện Ea Súp).
Hoạt động thể dục giữa giờ của học sinh Trường THCS Nguyễn Thị Định (xã Ia R'vê, huyện Ea Súp).
Hiện UBND tỉnh đã đề xuất Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu V bàn giao 13.360 ha đất do Đoàn Kinh tế - quốc phòng 737 quản lý về cho địa phương để bố trí cho doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư. Cụ thể, Dự án nhà máy điện mặt trời Ia R'vê kết hợp trồng và phát triển rừng của Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng - thương mại Hoàng Sơn (3.360 ha) và khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi, chế biến thực phẩm công nghệ cao của liên doanh Tập đoàn Xuân Thiện (10.000 ha).

Theo Bí thư Đảng ủy xã Ia R'vê Trần Lệ Thủy, để có được những đổi thay đó, ngoài sự nỗ lực của người dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, còn phải kể đến “tình quân dân” thắm thiết nơi vùng biên này. Tình cảm ấy được thể hiện qua những chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội thiết thực và kịp thời như Đoàn 737 đã khai hoang và bàn giao cho huyện Ea Súp gần 8.400 ha để cấp đất sản xuất cho người dân (2 ha/hộ); xây dựng hệ thống hồ chứa, kênh mương thủy lợi cung cấp nước tưới trong mùa khô và điều tiết giảm lũ trong mùa mưa cho hơn 1.500 ha cây trồng các loại; hình thành cánh đồng lúa nước 2 vụ (tại thôn 13, 14) với diện tích 130 ha từ kênh thủy lợi Chính Tây - Hồ Ea Súp Thượng dẫn về.

Vùng đất này còn được tạo đà phát triển nhờ những dự án được UBND tỉnh, chính quyền địa phương nỗ lực kêu gọi đầu tư vào đây với quy mô lớn nhằm tạo động lực phát triển. Ví như Dự án Cụm 5 Nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện - Ea Súp, giai đoạn I có công suất 600MWac/831MWp, với tổng mức đầu tư gần 20.000 tỷ đồng, điện lượng 1,5 tỷ kWh/năm đã đi vào vận hành phát điện từ tháng 11-2020. Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Xuân Thiện, đây là dự án điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á, mỗi năm đóng góp ngân sách hàng trăm tỷ đồng, giải quyết hàng nghìn việc làm cho địa phương. Hiện đơn vị đang triển khai giai đoạn 2 với tổng công suất 2.000 MWac/2.800 MWp, trạm biến áp 500kV/2.400MVA, cung cấp khoảng 5 tỷ kWh/năm cho hệ thống điện quốc gia.

Từ năm 2015, Đoàn 737 cũng đã thu hút vốn đầu tư của 5 doanh nghiệp có tiềm lực đến từ một số tỉnh thành trên cả nước nhằm thực hiện các mô hình sản xuất cây trồng, vật nuôi trên địa bàn 2 xã Ia R'vê và Ia Lốp với tổng kinh phí 200 tỷ đồng. Có thể kể đến như dự án trồng ca cao xen chuối (theo quy trình nông nghiệp công nghệ cao) của Công ty Cổ phần Ca cao Intercontinental với diện tích 250 ha. Đến nay, sản lượng chuối xuất khẩu đạt 1.800 tấn; cây ca cao cho năng suất khoảng 20 kg quả/cây. Hay dự án trồng cây sắn nguyên liệu của Công ty TNHH Thương mại - dịch vụ Phương Nam Xanh có diện tích 447 ha. Sau 4 năm đưa cây sắn về đây trồng để đánh giá mức độ thích nghi và hiệu quả, đơn vị đã chọn ra 3 giống sắn có hàm lượng tinh bột cao, năng suất đạt 25 – 30 tấn/ha để chuyển giao và khuyến khích người dân ở địa phương tham gia. Hiện khu vực này đang xây dựng nhà máy chế biến tinh bột sắn với công suất 48.000 tấn sản phẩm/năm. Khi đi vào hoạt động, dự án sẽ tiêu thụ toàn bộ sản phẩm sắn của người dân và tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm công nhân tại chỗ.

Hơn thế, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp Ngô Văn Thắng:  Điều mà người dân các xã vùng biên Ea Súp mong mỏi nhất bao nhiêu năm nay là hệ thống nước tưới cũng sắp sửa thành hiện thực. Cụ thể, dự án thủy lợi Ia Mơr có số vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng (từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ) đã được triển khai tại đây, bao gồm các hạng mục: hồ chứa, hệ thống kênh mương dẫn nước nội đồng sẽ hoàn thành vào cuối năm nay, đáp ứng nhu cầu nước tưới cho khoảng 4.000 – 5.000 ha đất canh tác trên địa bàn.

Ông Thắng đánh giá: "Những dự án trên bước đầu cho thấy hiệu quả thiết thực - đó là góp phần tạo thêm sinh kế, thu nhập cho người dân; thay đổi tập quán canh tác, tiếp thu tiến bộ khoa học, kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hình thành chuỗi liên kết sản xuất; từng bước tạo “cú hích” mạnh mẽ trong quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành nghề cho người dân; thúc đẩy phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trên vùng biên giới này".

Đình Đối - Minh Thông

 


Ý kiến bạn đọc