Xã Cư Mốt (huyện Ea H'leo): Quan tâm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Cư Mốt (huyện Ea H’leo) đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân cả về vật chất lẫn tinh thần.
Trong việc nâng cao thu nhập cho người dân, xã đã phối hợp xây dựng mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, dựa trên nguồn lực, điều kiện tự nhiên của địa phương.
Đơn cử như Hợp tác xã (HTX) Trái cây Cư Mốt được thành lập năm 2019, có 12 thành viên, chủ yếu là người dân tộc Nùng, gia đình các thành viên đều có cây chôm chôm giống bản địa đã trồng lâu năm.
Loại trái cây này có chất lượng đặc biệt nhờ cơm dày, dễ tróc, ăn giòn và có thể để được trong điều kiện tự nhiên từ 7 - 10 ngày, được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Thông thường nếu người dân tự hái bán lẻ thì trái chôm chôm có giá khoảng 10.000 đồng/kg, từ khi vào HTX thì được thu mua đồng bộ để cung cấp cho thị trường trong nước với giá từ 15.000 đồng/kg trở lên, mang lại thu nhập cao và ổn định cho người trồng.
Ông Lương Văn Ích, Giám đốc HTX Trái cây Cư Mốt cho biết: “Tham gia HTX mang lại nhiều lợi ích, xã viên không chỉ tăng thu nhập nhờ bán được chôm chôm nói riêng, trái cây nói chung với giá cao, mà còn có cơ hội học tập kinh nghiệm để trồng trọt theo hướng bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm do chính mình làm ra”. Bên cạnh sản phẩm trái chôm chôm, HTX cũng liên kết để tiêu thụ những loại trái cây khác như sầu riêng, bơ…
Ông Lương Văn Ích, Giám đốc HTX Trái cây Cư Mốt chia sẻ về hoạt động của đơn vị. |
Tương tự, trong 10 năm qua, số mô hình liên kết trong sản xuất theo chuỗi giá trị ở xã Cư Mốt ngày càng tăng, thu hút đông đảo nông hộ tham gia và hoạt động có hiệu quả như trồng cây ăn quả, chăn nuôi. Qua liên kết mô hình, nông dân có điều kiện tham quan, học tập kỹ thuật canh tác tiên tiến, tiết kiệm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường và tăng lợi nhuận trên cùng đơn vị diện tích đất…
Ngày 2-3-2021, xã Cư Mốt được UBND tỉnh quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Cuộc sống của người dân được nâng cao là tiền đề để xã Cư Mốt phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao trong giai đoạn tiếp theo.
|
Theo ông Huỳnh Trọng Văn, Chủ tịch UBND xã Cư Mốt, quá trình phát triển kinh tế của người dân còn có sự trợ lực từ các chương trình giảm nghèo, Chương trình 135, hỗ trợ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội cùng nhiều chính sách an sinh khác. Các đoàn thể xây dựng các tổ tiết kiệm để hỗ trợ cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để phát triển sản xuất… Như chị Hoàng Thị Ngọc (thôn 4B), gia đình ít đất sản xuất, không có việc làm ổn định nên cuộc sống rất khó khăn. Thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội LHPN xã, chị Ngọc được vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để chăn nuôi bò, được tư vấn sử dụng vốn vay hợp lý nên mang lại hiệu quả kinh tế cao, đời sống của gia đình dần được cải thiện. Tương tự, nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn đã được hỗ trợ nguồn vốn chăn nuôi, phát triển kinh tế.
Từ những việc làm thiết thực đó, cơ cấu kinh tế của xã Cư Mốt đã có sự chuyển biến tích cực, sản xuất nông nghiệp đã theo hướng sản xuất hàng hóa và có hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm, cải thiện, nâng cao đời sống của người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo. Nếu năm 2011, thu nhập bình quân đầu người đạt 15,7 triệu đồng thì đến năm 2020 đạt khoảng 45,5 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo các năm, năm 2011 toàn xã có 397 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 24,8%, đến năm 2020 còn 103 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,76%.
Người dân tập thể dục trong khuôn viên Nhà văn hóa xã. |
Cùng sự phát triển về kinh tế, xã luôn quan tâm chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân. Từ năm 2011 - 2020, toàn xã đã xây mới 6 nhà văn hóa thôn; sửa chữa, nâng cấp 6 nhà văn hóa thôn từ nguồn vốn huyện đầu tư, ngân sách xã và nhân dân đóng góp. Đặc biệt, xã đã xây dựng Nhà văn hóa trung tâm và sân thể thao có đầy đủ phòng chức năng và các công trình phụ trợ theo quy định.
Theo những người dân trong xã, mặc dù mới xây dựng được gần 2 năm, nhưng những công trình này hoạt động rất hiệu quả, cơ sở vật chất được đầu tư chất lượng, trở thành nơi thu hút người dân đến luyện tập thể thao, vui chơi giải trí, thúc đẩy phong trào văn hóa, thể thao trên địa bàn diễn ra khá sôi nổi. Qua đó, người dân không chỉ được thụ hưởng các tiện ích và nâng cao đời sống tinh thần mà còn kết nối tình làng nghĩa xóm, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, góp phần tích cực vào việc xây dựng nông thôn mới của xã.
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc