Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ trồng cây ăn quả trên đất dốc

09:15, 11/07/2021

Sau nhiều năm cần mẫn lao động, tiết kiệm, năm 2010 gia đình cựu chiến binh Phạm Văn Nghình ở thôn Tân Lập, xã Cư M’ta (huyện M’Drắk) mua được hơn 5 ha đất đồi tại thôn 7, xã Cư Króa làm nương rẫy.

Với phương châm "lấy ngắn nuôi dài", ban đầu ông Nghình tập trung trồng hoa màu để xoay vòng vốn nhanh, từng bước quy hoạch mô hình kinh tế và đầu tư mua các loại máy móc phục vụ cho sản xuất lâu dài, bền vững. Sau khi tham quan học tập các mô hình trồng trọt hiệu quả ở nhiều nơi, nhận thấy thổ nhưỡng, khí hậu ở xã Cư Króa phù hợp với trồng cây ăn quả và cây công nghiệp lâu năm, năm 2016 ông Nghình quyết định vay vốn ngân hàng đầu tư trồng hơn 2 ha cây cao su và 1.000 gốc vải u hồng và vải thiều. Mỗi loại cây được ông trồng riêng một khu, ở giữa có lối đi rộng để tiện chăm sóc, bón phân, thu hoạch quả.

Ông Nghình thu hoạch vải.
Ông Nghình thu hoạch vải.

Nắm bắt được nhu cầu của khách hàng hiện nay là hướng đến thực phẩm sạch, an toàn, có lợi cho sức khỏe..., trong quá trình chăm sóc, gia đình ông Nghình chỉ sử dụng phân chuồng và thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép, công việc phát dọn cỏ được làm thủ công. Nhờ đó, vải của gia đình ông Nghình được người tiêu dùng ưa chuộng, thương lái đến tận vườn thu mua.

Ông Nghình nhẩm tính, từ năm 2018 đến nay, khu vườn diện tích 4 ha của gia đình ông cho thu nhập hơn 600 triệu đồng/năm. Trong đó, khoảng 1.000 gốc vải u hồng, vải thiều có sản lượng khoảng 25 tấn/năm, giá bình quân 20.000 đồng/kg, mang lại nguồn thu 500 triệu đồng. Ngoài ra, với 2 ha cây cao su, gia đình ông thu về trên 100 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí.

Hội Cựu chiến binh huyện M'Drắk thăm quan mô hình trồng vải của gia đình ông Nghình.
Hội Cựu chiến binh huyện M'Drắk thăm quan mô hình trồng vải của gia đình ông Nghình.

Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, cựu chiến binh Phạm Văn Nghình còn nhiệt tình tham gia các hoạt động do Hội Cựu chiến binh huyện, xã phát động; sẵn sàng giúp đỡ các hộ hội viên và người dân địa phương cùng phát triển kinh tế.

Mỹ Sự


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.