Multimedia Đọc Báo in

Hội Nông dân thị trấn Buôn Trấp:

Hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất

08:30, 02/07/2021

Từ nguồn vốn vay, nhiều hội viên nông dân thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana) có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập.

Gia đình ông Đỗ Đình Miền có 1,5 sào đất và 3,5 ha trồng lúa. Thông qua Hội Nông dân thị trấn Buôn Trấp, ông đã vay 40 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư cải tạo đất, mua vật tư, cây giống, phân bón trồng 1,5 sào rau màu theo hướng VietGAP và chăm sóc lúa.

Ông trồng nhiều loại rau luân phiên theo mùa, nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên đạt năng suất cao, được thương lái đến tận nhà thu mua, đem lại nguồn thu mỗi tháng khoảng 20 triệu đồng.

“Để phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, ngoài áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tôi còn chú trọng đa dạng hóa cây trồng và tìm đầu ra cho sản phẩm một cách phù hợp. Nhờ đó, nguồn thu nhập của gia đình ổn định hơn”, ông Miền phấn khởi cho hay.

Anh Trần Đình Sang (giữa) giới thiệu về vườn hoa của tổ hợp tác.
Anh Trần Đình Sang (giữa) giới thiệu về vườn hoa của tổ hợp tác.

 

Ngoài ông Miền, nhiều hộ nông dân trên địa bàn thị trấn cũng được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển trồng rau, mở rộng sản xuất để tăng thêm thu nhập.

Theo ông Nguyễn Xuân Hậu (Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Buôn Trấp), trên địa bàn thị trấn hiện có hơn 100 hộ trồng rau, vì vậy, ngoài việc tạo điều kiện để các hội viên được tiếp cận vốn mở rộng sản xuất thì Hội còn kêu gọi hội viên canh tác rau sạch, hữu cơ, tiến tới thành lập tổ hợp tác rau hữu cơ. Hiện nay, chương trình đã triển khai và có 7 hộ đăng ký tham gia.

Bên cạnh hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn, Hội Nông dân thị trấn Buôn Trấp cũng đã phối hợp với cơ quan chuyên môn mở lớp tập huấn hướng dẫn hội viên, nông dân về cách thức sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật trồng, chăm sóc rau, hoa màu… theo tiêu chuẩn VietGAP; ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, phổ biến thông tin về thị trường… nhằm mang lại hiệu quả cao nhất trong quá trình sản xuất.

Ngoài nguồn vốn vay ngân hàng, vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân cũng là một kênh giúp nhiều nông dân đầu tư phát triển sản xuất.

Đơn cử như Tổ hợp tác Nghề nghiệp trồng hoa thị trấn Buôn Trấp thành lập năm 2018 với 9 thành viên, trước đó nhiều thành viên đã chuyển đổi diện tích đất sản xuất hoa màu kém hiệu quả sang trồng hoa nên khi tham gia tổ, được hướng dẫn thêm về kỹ thuật, phương thức canh tác, cùng tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm… họ có mong muốn mở rộng thêm diện tích, chủng loại cây trồng để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Tuy nhiên, những vật tư liên quan đến trồng hoa, cây cảnh như vậy đều phải được nhập từ Đà Lạt với giá cao, mà nguồn vốn của thành viên có hạn nên chưa thể đầu tư đồng bộ, nên sản xuất vẫn còn manh mún, chỉ mới đáp ứng được một phần nhu cầu của khách hàng.

Vườn rau của gia đình ông Đỗ Đình Miền.
Vườn rau của gia đình ông Đỗ Đình Miền.

Năm 2020, Tổ hợp tác được vay 152 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện Krông Ana hỗ trợ 4 thành viên phát triển sản xuất. Tổ trưởng Trần Đình Sang cho biết: “Từ nguồn vốn vay, tổ hợp tác sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất, hiện đang dự kiến thành lập mô hình tham quan dã ngoại tại vườn hoa của các thành viên, giúp thành viên vừa có cơ hội giới thiệu sản phẩm, tăng thêm thu nhập, vừa tạo cảnh quan đẹp...”.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Buôn Trấp Nguyễn Xuân Hậu, để các nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả, trong quá trình bình xét cho vay, Hội Nông dân thị trấn đều tiến hành khảo sát nhu cầu vay vốn, đánh giá hiệu quả dự án phát triển sản xuất của các hộ dân. Riêng nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nợ dư đến tháng 4-2021 là trên 28,5 tỷ đồng. Hầu hết các hội viên được vay vốn đều sản xuất hiệu quả và trả nợ đúng hạn. Thời gian tới, Hội Nông dân thị trấn sẽ tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn, giúp nông dân tiếp cận để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Mai Sao


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.